Không gian ngầm mới chỉ mang tính cục bộ

Quy hoạch không gian ngầm đô thị là tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất bao gồm tầng hầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, công trình đường dây, đường ống kĩ thuật, công trình đầu mối kỹ thuật, hào, cống bể kỹ thuật.

Theo quy định hiện hành, quy hoạch không gian ngầm có hai loại: Quy hoạch chung không gian ngầm được lập cho đô thị và quy hoạch chi tiết không gian ngầm được lập cho một khu vực đô thị hoặc một chuyên ngành kỹ thuật. 

Ở đây nội dung của quy hoạch chung về không gian ngầm phải giải quyết được các yêu cầu: Dự báo nhu cầu phát triển; Phân khu vực để xây dựng công trình ngầm; Xác định rõ khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng; Xác định hệ thống giao thông ngầm (Hướng tuyến, nhà ga, bãi đỗ xe,...); Xác định hệ thống hào kỹ thuật, cấp thoát nước, truyền tải điện; Xác định khu vực xây dựng công trình công cộng ngầm

Đáp ứng được các yêu cầu trên, Hà Nội đã có không gian ngầm cục bộ, đã có quá trình xây dựng công trình trên mặt đất trải qua nhiều giai đoạn phát triển với độ bền vững khác nhau, hơn nữa có điều kiện địa chất thủy văn phức tạp thì rất cần có quy trình nghiên cứu thích hợp, khoa học với sự tham gia của đa ngành.

Tại các quốc gia trên thế giới, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm gần như hình thành song song với việc phát triển các tuyến metro ngầm

Tất nhiên, chức năng của không gian nổi và không gian ngầm cần phối hợp chặt chẽ với nhau mới làm tăng hiệu quả sử dụng cho cả hai không gian đó, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho đô thị. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp mà chính quyền không nên để lỡ việc xúc tiến các việc nói trên.

Thực tế cũng ghi nhận trong quá trình phát triển đô thị đã có không ít công trình có không gian ngầm, có những tuyến không gian ngầm như hệ thống cống ngầm, cấp nước, thoát nước, đường dây cáp điện, bãi đỗ xe ngầm, các bể kỹ thuật. Song nhìn chung hầu hết đều mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị. Với thực tế như vậy, việc quản lý cũng thiếu tầm nhìn dài hạn và chưa có định hướng tổng thể.

Trong phát triển đô thị, nhất là với các đô thị nén, đa cực, đã có quá trình lịch sử phát triển như Hà Nội thì khai thác không gian ngầm cho cải tạo, tái thiết là xu hướng tất yếu để khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển bền vững.

Đây cũng là giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết được áp lực khi mật độ xây dựng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn di sản đô thị, cảnh quan văn hóa, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường sinh thái.

Còn rất nhiều khó khăn

Quy hoạch ngầm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ rất lâu, nhưng ở Việt Nam chỉ mới được quan tâm.  Trước đây, nó là đề tài nghiên cứu của giới chuyên gia và bây giờ được nâng lên, chuyển thành quy hoạch không gian ngầm và Hà Nội là thành phố đầu tiên nghiên cứu áp dụng nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Đầu tiên phải kể đến việc cập nhật các không gian ngầm trong thành phố rất tốn công sức, trước đây thành phố cũng chú trọng không gian ngầm nhưng nay nó đã trở thành cục bộ. Trong không gian ngầm có nhiều yếu tố thuộc về địa hình, địa chất, tổ chức đời sống, đặc biệt là an ninh quốc phòng cho nên phải có những lựa chọn sàng lọc để nhận diện từng loại không gian ngầm rồi mới khai thác hợp lý. 

Thứ hai là về tình hình địa chất thuỷ văn, Hà Nội đã tốn rất nhiều tiền để nghiên cứu, vấn đề này đã có những biến động theo thời gian, với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay thì này sinh nhiều thách thức mới nên phải tích luỹ những yếu tố mới, kỹ thuật mới thì mới có thể làm được. 

Thứ ba là với tình hình tài nguyên đất đai hiện nay, việc khai thác không gian ngầm, kết nối những chuỗi liên kết về thương mại, dịch vụ, giao thông, xã hội... sao cho hợp lý, vừa giữ cái cũ, thêm cái mới hiện đại, bền vững thì đòi hòi phải có nguồn lực và tầm nhìn. Điều này không đơn giản.

Những khó khăn trên đây là thách thức và cũng là những giải pháp cho việc thực hiện quy hoạch ngầm của Hà Nội. Giải quyết những vấn đề này tức là đã tìm ra được phương hướng tích cực. 

Để khai thác các công trình ngầm, cần định hướng cụ thể về nhu cầu sử dụng dựa theo tốc độ phát triển kinh tế và đô thị. Ví dụ, với 0,3% đất tự nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số 3% thì cần bao nhiêu công trình ngầm và bao nhiêu công trình nổi.

KTS Đào Ngọc Nghiêm

Để thực hiện quy hoạch không gian ngầm Hà Nội, trước mắt cần phải tổng hợp đánh giá hiện trạng về xây dựng công trình trên mặt đất và không gian ngầm cục bộ đã có. Đánh giá đúng điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, thủy văn. Đây là thách thức lớn cần điều tra, nghiên cứu với phương pháp khoa học.

Nhiều không gian ngầm còn hồ sơ lưu trữ như mạng lưới cống ngầm xây dựng từ thời Pháp thuộc, hay cải tạo xây dựng mới gần đây, mạng lưới ngầm đường dây cáp điện, thông tin hoặc không gian ngầm của một số công trình đã xây dựng trên mặt đất. Song cũng còn không ít không gian ngầm cần điều tra, tổng hợp. Làm tốt được công đoạn này không chỉ cần phối hợp từ các ngành, cơ quan lưu trữ mà còn cần sự tham gia của các chủ đầu tư, chủ sở hữu.

Do đó, các cơ quan chuyên môn cần sớm tổ chức nghiên cứu để đề xuất cụ thể các cơ chế chính sách liên quan. Cụ thể như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh, chính sách hỗ trợ, ưu đãi một số loại không gian ngầm để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng không gian ngầm cấp bách như bãi đỗ xe ngầm, công trình đầu mối kỹ thuật ngầm hào kỹ thuật ngầm...

Không gian ngầm đô thị không chỉ là hệ thống đường dây, đường ống, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi để xe, hầm đường ôtô, đường bộ mà còn có thể là những tổ hợp trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng trong đó thậm chí hướng tới là nơi làm việc, nơi ở cho dân cư đô thị. Một không gian huyết mạch thứ hai nằm toàn bộ dưới lòng đất trả lại mặt bằng trên là các công viên, cây xanh và các khu vực vui chơi giải trí.

Như vậy, công trình ngầm đô thị là tiền đề tạo ra các không gian ngầm đô thị, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị. Với xu hướng phát triển đô thị, với những yêu cầu cấp bách hiện nay (nhất là về giao thông) cho thấy rất cần có bước tiến mới về qu hoạch không gian ngầm và sớm có quy hoạch chung được ban hành, có như vậy mới tạo lập được đô thị phát triển bền vững. 

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm/Reatimes