Tại Việt Nam, đũa là vật dụng không thể thiếu trong các mâm cơm gia đình. Loại đũa được ưa chuộng nhất là đũa tre, đũa gỗ, đũa dừa vì ưu điểm nhẹ, rẻ, dễ sử dụng. Nhiều gia đình còn sắm rất nhiều đũa để dự trữ dùng trong những ngày gia đình có cỗ, lễ, Tết.

khong nen dung dua da qua 6 thang su dung
Các chuyên gia khuyến cáo các gia đình không nên dùng đũa đã qua 6 tháng sử dụng

Khi thấy đũa bị mốc, nhiều người chủ quan chỉ cần rửa lại, tráng bằng nước sôi, thậm chí luộc đũa trong nước sôi là nghĩ đũa đã an toàn, có thể tiếp tục dùng, nhưng việc dùng đũa như vậy là hết sức nguy lại cho sức khỏe.

Vì chất liệu làm đũa có nguồn gốc từ thực vật, nếu đũa chưa được phơi khô kỹ thì đũa dễ bị nấm mốc, bị các vi khuẩn như cầu tụ vàng và E.coli phát triển. Chính việc sử dụng đũa bị mốc là mầm mống gây nên các loại bệnh nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia, nếu để đũa trong môi trường ẩm ướt, các loại đũa làm từ các chất liệu gỗ có khả năng trở thành nơi sinh trưởng cho nấm aspergillus flavus - một trong những loại nấm có chứa độc tố gây ung thư.

Đũa mốc nhiều còn sinh ra aflatoxin – loại chất độc cực kỳ nguy hiểm được tổ chức Y tế Thế giới nhận định là một chất gây ung thư với độc tính mạnh gấp 68 lần thạch tín, gấp 10 lần kali xyanua và mang tính phá hoại cực mạnh đối với các tổ chức tế bào gan. Chỉ cần hấp thu quá 1mg aflatoxin, nguy cơ mắc ung thư gan sẽ ở mức cao.

Các chất gây ung thư như aspergillus flavus hay aflatoxin đều có khả năng chịu nhiệt rất tốt, thậm chí vi nấm Aflatoxin có khả năng chịu nhiệt lên đến 280oC. Vì vậy các chất này rất khó bị loại bỏ. Việc tráng, luộc đũa bằng nước sôi không có tác dụng tẩy hết các chất độc hại này.

Theo TS. Trần Hồng Côn, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, từ năm 1988, tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã liệt Aflatoxin B1 vào nhóm độc chất gây ung thư với những bằng chứng cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa chất độc này trong cơ thể với bệnh ung thư gan. Vì vậy, TS Trần Hồng Côn khuyên các gia đình không nên dùng đũa cũ quá nửa năm, đồng thời phải thường xuyên chú ý quan sát bề mặt đũa khi sử dụng. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu khác thường thì cần loại bỏ ngay, tuyệt đối không vì tiếc rẻ mà sử dụng tiếp.

Ngoài đũa bị mốc thì mọi người cũng không nên sử dụng đũa bị xước, bong tróc sơn. Các nhà sản xuất đũa thường phủ một lớp sơn lên bề mặt đũa để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập sâu vào đũa. Nếu đũa bị bong tróc lớp sơn này hoặc có dấu hiệu bị xước nhiều thì đũa có khả năng bị nhiễm vi khuẩn là rất cao.

Bên cạnh đó, mọi người cũng không nên cùng đũa một lần dùng, bởi loại đũa này thường được tẩy trắng bằng bằng hydrogen peroxide. Hydrogen peroxide có tính ăn mòn cao và dễ dàng ăn mòn miệng, thực quản, thậm chí cả dạ dày.

Đồng thời, một số người làm đũa một lần dùng còn sử dụng bột talc để đánh bóng đũa dùng một lần. Loại bột này nếu tiếp xúc quá nhiều sẽ gây hại cho phổi.

Ngoài ra, một số nhà sản xuất khi làm đũa một lần dùng còn sử dụng lưu huỳnh để xông khói. Nếu những chiếc đũa dùng một lần này được sử dụng thường xuyên thì điôxit lưu huỳnh được giải phòng bởi nhiệt sẽ theo thức ăn vào miệng, ăn mòn niêm mạc hô hấp, có khả năng gây ung thư.

An Nhiên

Theo phapluatxahoi.vn