Theo Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ đã dẫn đến sự gia tăng của tình trạng ăn cắp bản quyền và vi phạm tên miền cùng với nhiều hành vi vi phạm bản quyền khác. Thêm vào đó, các thủ tục tố tụng dân sự và hình sự tỏ ra không hiệu quả trong việc thực thi sở hữu trí tuệ. Các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý và minh bạch thông tin chưa được xử lý triệt để trong một thời gian dài cũng làm giảm hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi sở hữu trí tuệ.

Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam kiến nghị sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật để quy định các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến; tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân vi phạm quyền tác giả và tăng cường nỗ lực xử lý các trang web vi phạm.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tăng cường năng lực của các VKS, tòa án, Bộ Công an trong việc truy tố hình sự các vi phạm sở hữu trí tuệ nghiêm trọng khi mức độ nghiêm trọng đến ngưỡng xử lý. Cần tiến hành sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Tố tụng Dân sự và các quy định liên quan và giao cho tòa án quyền yêu cầu công bố các quyết định tư pháp liên quan đến việc thực thi sở hữu trí tuệ”, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam – ông Nicolas Audier phát biểu.

kien nghi tang muc phat voi hanh vi vi pham quyen tac gia
Đại diện các DN, hiệp hội DN thảo luận về các bất cập trong môi trường kinh doanh cần sửa đổi.

Còn đại diện Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã có những cải tiến về thủ tục hải quan và hiệu suất công việc. Tuy nhiên việc kiểm toán sau nhập khẩu – được thực hiện thường xuyên nhưng phần lớn là không cần thiết – đang tạo gánh nặng cho các Cty. Một Cty phải trải qua hơn 10 đợt kiểm toán chỉ trong một chu kì 2 tháng mặc dù gần như không có lý do gì để hải quan nhận định Cty này là đơn vị nhập khẩu có nguy cơ và rủi ro cao.

“Chúng tôi khuyến khích hải quan áp dụng một cách tiếp cận tập trung hơn đối với mục tiêu đánh giá là các đơn vị nhập khẩu có nguy cơ rủi ro cao, thay vì những thương nhân hợp pháp. Điều này bao gồm việc phân biệt rõ ràng hơn trong quá trình thông quan, kiểm tra hải quan, đánh giá giá cả và kiểm toán giữa các nhà nhập khẩu theo tiêu chuẩn AEO và nhà nhập khẩu thông thường. Ngoài ra, các Cty của chúng tôi đang phải đối mặt với kiểm toán thuế định kỳ với các thủ tục dài dòng”, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam – ông Michael Kelly nói.

Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam khẳng định, tuyệt đối không chấp nhận việc trốn thuế dưới bất kỳ hình thức nào nhưng lại đang có những sai sót có thể xảy ra do lỗi quản trị. Những lỗi này thường xảy ra do những bất cập, do việc không thống nhất trong cách giải thích các luật và quy định về thuế và hải quan, thậm chí ngay cả giữa các phòng, ban ở các TP và tỉnh khác nhau.

Theo Hiệp hội DN này, việc thiếu nhân viên thuế, hải quan dẫn đến việc thanh tra thuế thường diễn ra muộn, có thể lên đến 5 năm sau kì báo cáo. Có trường hợp, chính vì nguyên nhân do sai sót trong việc quản trị của cơ quan thuế, nhưng lại áp dụng hình phạt hành chính lên DN với lỗi thanh toán chậm, được xem là không công bằng và vô lí. Nhiều Cty đang phải chịu phí phạt này do cơ quan thuế không thể tiến hành kiểm tra hàng năm và một cách kịp thời.

Khoản phạt thanh toán muộn được tính theo lãi suất sấp xỉ 20% một năm, sau thời hạn 5 năm sẽ gấp đôi số tiền ban đầu. Các Cty đa quốc gia cho rằng, điều này là bất công khi bị yêu cầu phải trả các khoản phí này trong khi nguyên nhân hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, mặc dù đã nộp giấy tờ đầy đủ và đúng hạn.

Để giúp giải quyết những vấn đề này, Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam đề xuất thành lập một cơ quan độc lập lắng nghe kháng cáo của người nộp thuế về chính sách nộp phạt và hình phạt hành chính của nhân viên thuế.

“Chúng tôi quan ngại những thiệt hại này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tương lai nếu như không tìm ra được giải pháp. Khả năng thu hút đầu tư và trao đổi thương mại với Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh và chế độ thuế”, Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam kiến nghị.

Theo Bộ Tài chính, đến nay đã có 99.8% số DN đã kê khai thuế điện tử và 97.8% DN đã nộp thuế điện tử. Năm 2018 đã có 90.8% số DN đã tham gia hoàn thuế điện tử. Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ Nghị định về hóa đơn điện tử.

 

Theo Phương Thảo/phapluatxahoi.vn