Ai sở hữu “khu sinh thái” trên hành lang thoát lũ sông Đuống?

Nằm trên hành lang thoát lũ đê sông Đuống, khối công trình có diện tích 3.974m2, được UBND thị trấn Yên Viên cho thuê, mục đích sử dụng chưa rõ. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và thông tin phóng viên (PV) Reatimes.vn có được, đây là khu sinh thái do ông Lưu Văn Cường – Giám đốc công ty Bắc Chương Dương đầu tư xây dựng... 

Ngày 7/6/2019, để làm rõ việc khu sinh thái nằm trên hành lang thoát lũ đê sông Đuống, PV đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên.

Bà Quyên cho biết: Khu đất ở hành lang đê sông Đuống không phải là khu sinh thái, đây là: “Công trình vườn hoa sân chơi cây xanh” đã được UBND huyện Gia Lâm chấp thuận cho thuê từ trước năm 2016. Trong văn bản chấp thuận của UBND huyện Gia Lâm cho phép xây dựng nhà điều hành, nhà phụ trợ, nhà bảo vệ. Đơn vị đầu tiên thuê khu đất này là Công ty Bắc Chương Dương, sau đó thanh lý hợp đồng… Năm 2016, cho đến nay UBND thị trấn Yên Viên ký hợp đồng cho cá nhân là bà Phùng Thị Hồng Oanh sinh sống trên địa bàn thị trấn thuê lại, giá thuê mặt bằng là 105.961.024 đồng/năm. Hiện trạng không xây dựng tôn tạo gì giữ nguyên hiện trạng, các khu công trình được xây dựng đều dễ tháo lắp”…

bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên.

Cũng theo bà Lệ Quyên thông tin: “Việc UBND thị trấn Yên Viên cho thuê khu đất trên được chấp thuận và phê duyệt giá của UBND huyện Gia Lâm và người cho thuê nộp tiền vào ngân sách của địa phương theo quy định (Có hoá đơn chứng từ rõ ràng). Khu đất đó thuộc hành lang thoát lũ đã được Sở Nông nghiệp chấp thuận phương án”…

Vậy dự án có thật sự được các cơ quan chức năng cấp phép? Nếu cấp phép liệu có vi phạm Điều 12 của Luật Phòng, chống thiên tai, Điều 7 Luật Đê điều? Hồ sơ của dự án này ai phê duyệt?

Những mâu thuẫn cần làm rõ…

Lạ lùng khi đề xuất với UBND thị trấn Yên Viên cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến khu đất này thì bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phó Chủ tịch thị trấn Yên Viên chỉ đưa ra được hai bản hợp đồng cho bà Phùng thị Hồng Oanh thuê năm 2017, năm 2019.

Vậy ai phê duyệt cho phương án xây dựng khu “công viên cây xanh” trên hành lang thoát lũ sông Đuống như bà Quyên đã khẳng định? Từ năm 2016 đến nay, hợp đồng cho thuê tại sao chỉ có năm 2017 và năm 2019? Mục đích cho thuê nguồn ngân sách thu về có báo cáo và nộp thuế theo đúng quy định của Nhà nước hay không?.

Tất cả những vấn đề này bà Quyên cho biết: “Chúng tôi khẳng định làm đúng, về các văn bản liên quan đến khu đất này sẽ xin ý kiến cấp trên và cung cấp cho báo chí sau”…

Mặt bằng khu đất đang được tôn tạo...

Mặt bằng khu đất đang được tôn tạo...

Theo đúng quy trình làm việc, báo chí đến đặt lịch làm việc, cung cấp thông tin và nội dung làm việc. Tuy nhiên, trong buổi làm việc UBND thị trấn Yên Viên đã không chuẩn bị đầy đủ các tài liệu mà báo chí mong muốn được cung cấp từ trước đó. Một lần nữa câu chuyện “đợi xin ý kiến cấp trên” lại được lặp lại tại UBND thị trấn Yên Viên.

Trước những thông tin bà Nguyễn Thị Lệ Quyên trả lời báo chí còn rất nhiều điểm mâu thuẫn cần được làm rõ.

hàng loạt hangj mục công trình sân vườn đang được sửa chữa...

Hàng loạt hạng mục công trình sân vườn đang được sửa chữa...

Quay trở lại “khu sinh thái” trên hành lang thoát lũ đê sông Đuống, mục sở thị, PV vô cùng bất ngờ về sự thay đổi của nơi đây. Hiện trạng, khu sân chơi rào kín được bố trí vài con vật thú nhún đồ chơi trẻ em nhưng không có lối đi vào thì không hiểu con trẻ sẽ vào vui chơi bằng cách nào? Khu nhà sàn bằng gỗ được đổ sàn bê tông, cột trụ khối bê tông kiên cố đã hoàn thiện.

...nhà sàn bằng gỗ được đổ cột bê tông làm chân trụ đã dựng kiên cố làm nơi nghỉ dưỡng của chủ đầu tư...

Nhà sàn bằng gỗ được đổ cột bê tông làm chân trụ đã dựng kiên cố làm nơi nghỉ dưỡng của chủ đầu tư.

Các hạng mục sân vườn đang được tu sửa, vật liệu ngổn ngang trên sân. Khu nhà cấp 4 phía sau nhà sàn được bố trí vật dụng gia đình đầy đủ. Ngoài vườn nuôi gà, thả cá, trồng rau ….Cũng tại đây khu vườn cây bàn thờ được lập lên hương khói…

khu sân chơi trẻ em chi có vài con thú nhún được bày trí trong khuôn viên khép kín bằng rào sắt không có lối vào...

Khu sân chơi trẻ em chỉ có vài con thú nhún được bày trí trong khuôn viên khép kín bằng rào sắt không có lối vào.

Người quản lý ở đây cho biết: “Chỗ này bà Oanh đã thuê lại, đang sửa chữa trồng thêm cây xanh, khu nhà cấp 4 phía sau để cho quản lý ở… Người dân ở đây ra vào thoải mái, còn nhà sàn là chỗ bà Oanh thi thoảng về ở không ai được lên đó…”

dãy nhà cấp bốn được xây dựng, trang bị đầy đủ đồ dùng gia dụng cho gia đình ở...

Dãy nhà cấp bốn được xây dựng, trang bị đầy đủ đồ dùng gia dụng cho gia đình ở...

Khi được hỏi về chủ nhân khu đất là bà Oanh là ai thì người quản lý này ậm ừ trả lời chung chung rằng: “Bà ấy ở ngay đây, tôi cũng không gặp”…

Hiện trạng này có thật sự là “Vườn hoa sân chơi cây xanh”? Để làm khu vui chơi cho người dân thì có cần lập bàn thờ cây nhang, xây nhà ở kiên cố?

Khu vui chơi cây xanh cũng có cả cây nhang bàn thờ(?!)...

Khu vui chơi cây xanh cũng có cả cây nhang bàn thờ(?!)...

Câu trả lời của UBND thị trấn Yên Viên lại đi ngược lại với thực tế và mục đích sử dụng, hiện tại các hạng mục công trình kiên cố đã hoàn thành. Bên cạnh đó, những dấu hiệu mập mờ liên quan đến thủ tục pháp lý cho thuê và sử dụng hành lang thoát lũ đê sông Đuống phải làm sáng tỏ, công khai và nguồn ngân sách thu về từ việc cho thuê của UBND thị trấn Yên Viên cũng cần được làm rõ.

Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc thanh tra toàn bộ dự án, xử lý nếu có sai phạm, tránh ảnh hưởng đến công trình hành lang thoát lũ, công trình đê điều, đời sống nhân dân trong lúc mùa mưa đang tới dần.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc./.

Theo Điều 7 Luật Đê điều. Các hành vi bị nghiêm cấm:

  1. Phá hoại đê điều.
  2. Nổ, phá gây nguy hại đến thân đê, trừ trường hợp khẩn cấp được người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật này quyết định nổ, phá nhằm phân lũ, làm chậm lũ để hộ đê.
  3. Vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền trong phạm vi bảo vệ đê điều.
  4. Vận hành hồ chứa nước thượng lưu trái quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng đến đê điều.
  5. Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.
  6. Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
  7. Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
  8. Chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
  9. Phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê, trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.
  10. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.
  11. Sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều.

Theo Hàn Vi-Đỗ Minh/Đô Thị Mới