Năm nay, số lượng đoàn thanh tra chấm thi tăng lên so với năm 2018, Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 hội đồng thi.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác chấm thi. Ảnh: Q.Anh

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác chấm thi. Ảnh: Q.Anh

Đánh “phách điện tử” bài thi trắc nghiệm

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, ngay sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng, các đoàn thanh tra chấm thi của Bộ đã “xuất quân” làm công tác kiểm tra, chấm thi. Bắt đầu từ ngày 28/6, cán bộ thanh tra chấm thi sẽ bắt đầu làm việc. So với năm ngoái, số lượng đoàn thanh tra tăng. Ngoài 2 cán bộ của trường ĐH, còn có 1 Chánh Thanh tra hoặc Phó Chánh thanh tra thuộc Sở GD&ĐT tham gia đoàn, trên nguyên tắc cán bộ Sở không thanh tra tại địa phương mình. Cùng với việc thanh tra cắm chốt, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 hội đồng thi.

Để chuẩn bị cho công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian qua đã tổ chức tập huấn về phần mềm chấm thi trắc nghiệm, quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm và nghiệp vụ công tác thi, tuyển sinh cho tất cả các trường ĐH, CĐ và các Sở GD&ĐT… Hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh năm 2019 đã được hoàn thiện, nghiệm thu và tập huấn cho các đơn vị. Phần mềm được cải tiến để tăng cường tính bảo mật, đảm bảo chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người dùng.

Thông tin về công tác bảo mật chấm thi, PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin: “Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử”, phiếu trả lời trắc nghiệm. tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi”.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, phần mềm chấm thi các môn trắc nghiệm đã được chạy thử và vận hành trơn tru, sẵn sàng cho công tác chấm thi một cách chính xác, tăng tính bảo mật, không thể can thiệp được vào bài thi. Còn đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở GD&ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã thành lập 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi trực tiếp tại các địa phương.

Dự kiến, 14/7 sẽ công bố điểm thi

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị chấm thi tại địa phương. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị chấm thi tại địa phương. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Bộ GD&ĐT cho biết, đã chỉ đạo các địa phương tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không để xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đảm bảo đúng quy chế, trong đó tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của các thí sinh.

“Bộ cũng đã chỉ đạo các trường ĐH, CĐ chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại các địa phương theo đúng quy trình theo Quy chế đã ban hành, đảm bảo chính xác, an toàn và đúng tiến độ. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kỳ thi: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường và kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả”, PGS Mai Văn Trinh cho hay.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đảm bảo đúng quy chế, trong đó tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của các thí sinh. “Bộ yêu cầu các trường ĐH, CĐ chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại địa phương phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc Quy chế mà Bộ đã ban hành”, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các Hội đồng thi gửi kết quả về Bộ chậm nhất ngày 13/7 và Bộ hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 13/7. Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 14/7. Chậm nhất ngày 16/7, Sở GD&ĐT các tỉnh cập nhật danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT vào Hệ thống quản lý thi. Dự kiến, công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất ngày 18/7.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã được tổ chức từ ngày 24/6 đến ngày 27/6 tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1980 điểm thi với 38.050 phòng thi; huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi. Tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99% (từ 99,48% đến 99,66%, tùy từng môn). Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong đó, 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-du-kien-14-7-cong-bo-diem-thi-se-loc-cac-bai-diem-cao-de-cham-kiem-tra-201906281936132.htm

Theo báo Gia đình & xã hội