Ngày 19/3, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp cùng một liên minh đối tác do HR Wallingford đứng đầu công bố dự án “Hệ thống dự báo Mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh” (Dự án D-MOSS).

Dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam phức tạp hơn nhiều nước

Kể từ năm 2000, số mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đã tăng hơn 100% do không duy trì đầy đủ các can thiệp phòng chống muỗi Aegypti – loài gây ra và lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Năm 2017, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng phát dịch sốt xuất huyết với hơn 170.000 trường hợp nhiễm bệnh ở hầu hết các tỉnh và thành phố. Điều này không những gây ra vấn đề to lớn đối với y tế công cộng về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ bệnh nhân tử vong, mà còn về chi phí kinh tế và xã hội cho người bệnh và toàn xã hội.

Ở Việt Nam, sốt xuất huyết là một dịch bệnh truyền nhiễm theo chu kỳ có liên quan đến các yếu tố xã hội như đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, sự tiếp cận hạn chế tới các dịch vụ cơ bản và biến đổi khí hậu. Một nhân viên của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM) thành viên của dự án cho biết, “tình hình sốt xuất huyết ở Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với nhiều nước.Vì sốt xuất huyết xuất hiện trên cả nước, lại có sự khác nhau giữa 3 miền Bắc – Trung – Nam nên rất khó đưa ra được kết quả dự đoán chính xác cho cả nước”.

 Tình hình dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam phức tạp hơn so với nhiều nước

Liên quan tới vấn đề này, bà H’Ylm Kdoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, một trong những tỉnh có tỷ lệ mắc bệnh lớn nhất cả nước nói: “Đắk Lắk là tỉnh có 47 dân tộc thiểu số, trong những năm qua, dịch sốt xuất huyết là bệnh lưu hành của tỉnh và được ghi nhận qua các năm (năm 2015: 2558 trường hợp, có một trường hợp tử vong; năm 2016: 13.234 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp tử vong; năm 2017: 2.223 trường hợp; năm 2018: 1.130 trường hợp).

Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào công tác giám sát, yếu tố dịch tễ, kinh nghiệm và chu kỳ của dịch bệnh để can thiệp phòng chống dịch nên việc triển khai ứng phó chống dịch thường bị động và hạn chế, vì cho đến nay tỉnh chưa có hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết.

Việc xây dựng được hệ thống cảnh báo này sẽ giúp cho công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên địa phương được tốt hơn. Đây cũng là kỳ vọng của ngành Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và UBND tỉnh”.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, tình hình phát triển bệnh sốt xuất huyết được bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành cao tại địa phương. Trung bình hàng năm có 4.000 đến 6.000 ca mắc bênh. Số ca mắc bệnh này tiếp tục tăng lên và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng đang rất được quan tâm của lãnh đạo tỉnh, cơ quan y tế và người dân.

Những năm gần đây, chúng tôi đạt được thành tựu lớn trong giảm tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt là sốt xuất huyết ở trẻ em. Tuy nhiên, trong giám sát, chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn trong phát hiện sớm sự biến động côn trùng do tác động của biến đổi khí hậu, khó khăn trong phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết để kịp thời xử lý, ngăn chặn sự lan rộng kéo dài”.

Để giúp ngăn chặn tình trạng bệnh lây lan này, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) phối hợp cùng một liên minh đối tác do HR Wallingford đứng đầu công bố một dự án chung, xây dựng các công cụ sáng tạo giúp các đơn vị hưởng lợi cảnh báo sớm trước nhiều tháng về khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết. Dự án được tài trợ bởi Chương trình Đối tác Quốc tế của Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh và sẽ sử dụng công nghệ Quan trắc Trái Đất để phát triển công cụ cảnh báo dịch sốt xuất huyết và đưa ra các đánh giá về nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua vật chủ trung gian trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sử dụng đất trong tương lai.

Hiện chưa có hệ thống cảnh báo sớm nào ở Việt Nam dự đoán khả năng các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết. Dự án này sẽ được triển khai trong 3 năm với tên goị “Hệ thống dự báo Mô hình sốt xuất huyết sự trên số liệu vệ tinh” (D-MOSS) cho phép Chính phủ, các cơ quan y tế công cộng và người dân có những hành động thích hợp để giảm thiểu tác động và thiệt hại của dịch sốt xuất huyết.

DO-MOSS sẽ làm được những gì?

Dự án D-MOSS  xây dựng một hệ thống cảnh báo trong đó cơ sở dữ liệu vệ tinh được tổng hợp cùng với thông tin về sự báo thời tiết và mô hình khí tượng thủy văn để sự báo khả năng xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyết trước 8 tháng. Hệ thống này sẽ cho phép cộng đồng địa phương huy động nguồn lực để loại trừ các khu vực muỗi sinh sản, qua đó làm giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết. Hiểu rõ hơn mối tương quan giữa các yếu tố gây dịch bệnh từ môi trường, hệ thống khí hậu – thủy văn và tỷ lệ mắc sốt xuất huyết.

  Ông Kamal Malhotro, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Ông Kamal Malhotro, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định: “Từ mối tương quan đáng kể giữa các yếu tố thời tiết và các ca sốt xuất huyết, sự kết hợp giữa dự báo nguồn nước và dịch sốt xuất huyết được kích hoạt bởi công nghệ vệ tinh là một sáng tạo đổi mới tuyệt vời. Dự án mà chúng tôi khởi động hôm nay thú vị ở chỗ nó đẩy mạnh trao đổi chuyên môn toàn cầu và địa phương, xuyên suốt qua các lĩnh vực và châu lục nhằm khai thác dữ liệu và kinh nghiệm để tạo ta các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như các công cụ phân tích có thể giúp hệ thống y tế của Việt Nam đẩy lùi các tác động của sốt xuất huyết gây ra hiện nay và trong tương lai”.  

Ông Gareth Ward, đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh: “Công nghệ vũ trụ là một trong những ngành mạnh nhất của chúng tôi và tôi rất vui khi thấy Cơ quan Vũ trụ Anh và các đối tác giới thiệu một công cụ mới và sáng tạo để giúp Việt Nam dự đoán và ứng phó với dịch sốt xuất huyết một cách chính xác và hiệu quả hơn”.

Được biết, dự án D-MOSS được bắt đầu từ tháng 2/2018 và sẽ kết thúc vào tháng 2/2021 tại Việt Nam.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới