Tại Việt Nam, lao động phi chính thức chiếm tới 57%, tương đương 18 triệu, góp phần quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, lực lượng lao động này đang bị "bỏ quên" trong nhiều chính sách công, ít nhận được sự bảo vệ của công đoàn và pháp luật.

60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn

Báo cáo thống kê về việc làm phi chính thức được Tổng Cục Thống kê và Viện Khoa học Lao động – Xã hội công bố cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức, chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp, 3/4 tổng việc làm trong nền kinh tế. Lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức, nghĩa là người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định. Mặc dù lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này.

Trong 21 nhóm ngành kinh tế, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở 3 nhóm ngành chính gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; và xây dựng.

Theo các chuyên gia xã hội học, lao động phi chính thức thường làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm, chỉ thỏa thuận bằng miệng với chủ sử dụng lao động. Do đó, người lao động dễ bị bóc lột sức lao động. Thậm chí, do môi trường làm việc không được tuân thủ theo một quy định chính quy nào nên người lao động phải làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, môi trường sản xuất độc hại, không được bảo hộ nên rất dễ ốm đau, bệnh tật. Như vậy, dù là tiếp cận dịch vụ, an sinh xã hội hay tham gia vào cộng đồng, lực lượng lao động phi chính thức đều thiệt thòi.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động phi chính thức không có BHXH ở Việt Nam lên tới 97,9% và chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Chưa kể tiền lương bình quân/tháng của lao động phi chính thức (4,4 triệu đồng) thấp hơn lao động chính thức (6,7 triệu đồng) ở tất cả các vị trí việc làm.

Những nghiên cứu về lao động phi chính thức ở Việt Nam cũng đã chỉ ra, lực lượng lao động phi chính thức có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần lấp đầy khoảng trống thiếu hụt việc làm và thu nhập. Tuy vậy, các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức.

Mặc dù có đóng góp vào nền kinh tế nhưng cũng không thể phủ nhận chất lượng lao động phi chính thức hiện nay khá thấp. Có tới 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác. Đặc biệt, tỷ lệ qua đào tạo khá thấp (14,8%) đã khiến lao động phi chính thức gặp khó khăn để tạo ra việc làm bền vững, ổn định hay chuyển dịch vào khu vực chính thức là điều dễ hiểu.

Lao động phi chính thức: Thiệt thòi trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội - Ảnh 1

Lao động phi chính thức thu nhập bấp bênh, đối diện với nhiều rủi ro và không được tham gia BHXH

 Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Sẽ đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho lao động khu vực phi chính thức

Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực giải quyết sự bấp bênh giữa có việc làm và thất nghiệp của lực lượng lao động phi chính thức nhưng cần có chính sách và giải pháp mang tính đồng bộ.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong Bộ luật Lao động hiện hành đã có quy định điều chỉnh đối với đối tượng lao động này. Ví dụ như lao động giúp việc gia đình là lao động trong khu vực phi kết cấu (phi chính thức), tuy nhiên việc điều chỉnh ở khu vực đó chưa được quan tâm đúng mức. Nói cách khác, chúng ta hiện mới chỉ tập trung vào điều chỉnh ở khu vực kết cấu (chính thức). Ví dụ trong một doanh nghiệp sử dụng 1.000 lao động thì phải ký các hợp đồng để đưa lao động vào làm việc. Như vậy có khả năng được kiểm soát dễ dàng hơn. Trong khi đó, hiện nước ta có hàng chục triệu hộ gia đình sử dụng lao động nhưng lại không có hợp đồng lao động nên không kiểm soát được. “Trong trường hợp này đặt ra bài toán về quản lý nhà nước chứ không phải là luật không điều chỉnh. Bài toán quản lý nhà nước hiện nay cần quản lý chặt hơn nữa để đảm bảo quyền lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực phi kết cấu.”- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đang được Chính phủ lấy ý kiến nhân dân, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp Quốc hội tới đây được kỳ vọng sẽ sửa đổi, bổ sung toàn diện, trong đó quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, quản lý nhà nước về lao động. Bổ sung các quy định nhằm mở rộng diện bao phủ của Bộ luật về tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động... đến lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số, lao động làm việc cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng dưới 10 lao động...

Theo baodansinh.vn