Chưa đầy một tháng nữa sẽ đến Tết Bính Thân 2016, bên cạnh những mặt hàng bánh kẹo trong nước, bánh kẹo ngoại đang được nhiều người quan tâm bởi mức sống người Việt ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, với hàng loạt sản phẩm đa dạng, bắt mắt, người mua cần có nhiều cân nhắc khi lựa chọn tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng.

Tâm lý sính hàng ngoại

Thời gian gần đây mặt hàng này không còn quá xa xỉ đối với nhiều người. Khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm ở bất kỳ siêu thị, cửa hàng nào còn các doanh nghiệp không ngừng tung chiêu khuyến mãi, hạ giá cạnh tranh như: mua combo được tặng kèm, mua 3 tặng 1, bốc thăm trúng thưởng,.... hút khách.

Ghi nhận tại một số hệ thống siêu thị Hà Nội như Big C, Fivimart,…bánh kẹo chủ yếu có nguồn gốc từ: Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… Giá cả giao động từ 100.000 – 300.000 đồng. Ngay cả những mặt hàng có cao hơn từ 500.000 cho đến hàng triệu đồng cũng thu hút sự lưu tâm của người mua thường làm quà tặng, biếu Tết.

Gian hàng bánh kẹo ngoại được nhiều người quan tâm

Ngoài ra, người mua còn có thể đặt mua thông qua các website, trang cá nhân, fanpage facebook. Sự tiện lợi này không chỉ giúp người mua tiết kiệm thời gian đi lại, vận chuyển mà còn có thể tham khảo, so sánh giá cả các mặt hàng. Tuy nhiên do không được tận mắt kiểm nghiệm nên nhiều người khá đề phòng trước mặt hàng có đúng chuẩn hàng xách tay hay không.

Một tài khoản cá nhân đăng bánh kẹo xách tay trên facebook

 

Chị Mai – khách hàng sắm đồ tết tại một đại lý khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: “vì giá cả cũng không chênh lệch nhiều lắm nên gia đình mình thường chọn bánh kẹo ngoại hoặc hàng Việt phải có nhãn mác thương hiệu rõ ràng. Không những thấy được đảm bảo khi ăn mà hình thức mang biếu tặng trông sang hơn hẳn”.

Cảnh giác hàng nhái, kém chất lượng

Bên cạnh các loại bánh kẹo có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, xuất hiện không ít mặt hàng nhái, kém chất lượng, không có xuất xứ rõ ràng trở thành mối đe dọa cho các mặt hàng chính hang và cũng là mối đe dọa cho sức khỏe người dùng.

Thực tế tại các chợ, sạp hàng bán lẻ nhiều mặt hàng mác ngoại đủ màu sắc được bán theo cân phần lớn chỉ mức giá chục nghìn. Những gói bánh gạo Nhật có giá 50.000 đồng/kg hay kẹo dẻo Thái giá 40.000 đồng/kg,.... Nhiều loại phía trước đề tên nước ngoài nhưng mặt sau xuất hiện chữ Trung Quốc. Theo nhận định của các chủ cửa hàng, mặt hàng này chủ yếu bán cho khách tầm trung thu nhập thấp hơn.

Một số khác bánh kẹo dù được công bố sản xuất từ châu Âu nhưng được sản xuất tại châu Á, đóng gói tại Việt Nam giá thành rẻ hơn hàng xách tay, hàng nhập trực tiếp khiến cho chất lượng giảm sút. Trong khi đó, tâm lý của người mua lại chuộng nhãn mác ngoại, ham giá rẻ chủ quan không kiểm tra kỹ lưỡng các mặt hàng dẫn tới mua phải hàng kém chất lượng.

Đã có nhiều trường hợp cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở trong nước nhập nguyên liệu, bánh kẹo hết hạn sử dụng, giá rẻ từ Trung Quốc về chế biến, dập lại nhãn mác, nhái thương hiệu nổi tiếng nước ngoài.

Điển hình như vụ việc ngày 12/1 Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra kho của Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Phương Hiền với 2.300 sản phẩm bánh Nutri 5, do nước ngoài sản xuất hết hạn sử dụng. Hay sự việc ngày 11/1 cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra cơ sở sản xuất bánh kẹo Thanh Nhàn phát hiện 1.300 kg mứt dừa hết hạn sử dụng. Các sản phẩm trong 2 vụ việc trên đều được các cơ sở này “biến hóa” thành hàng mới chuẩn bị tung ra thị trường.

Trước tình trạng hàng thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác trước khi chọn mua tránh tình trạng “tiền mất tật mang” không đáng có xảy ra./.

Theo Phạm Hương/ Gia đình Việt Nam