Tiềm năng lớn

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, có bờ biển dài hơn 3.000 km là những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Hoạt động logistics của nước ta hiện nay đang trên đà phát triển cùng với sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để khuyến khích vận chuyển đa phương thức và xử lý hàng hóa, một trung tâm logistics cần hỗ trợ bằng nhiều phương thức vận chuyển như đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không…

Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như gia nhập các tổ chức quốc tế, hay ký kết các Hiệp định tự do thương mại, nước ta ngày càng có nhiều lợi thế trong việc phát triển ngành logistics.

Thời gian qua, logistics đã có những bước phát triển cả về chất và lượng

Đồng thời, Việt Nam còn có vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng, kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không... được cải thiện.

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160 nước với điểm số LPI (chỉ số Năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể (3,27 điểm) - xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7, Thái Lan vị trí 32). Việt Nam được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

Thời gian qua, ngành logistics nước ta có mức tăng trưởng cao 15 - 16%/năm. Với khoảng 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 30 - 40%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nền kinh tế Việt hiện tại có độ mở rất lớn, đồng thời có cơ hội lớn với hàng loạt FTA đã được ký kết và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đó là cơ hội lớn cho phát triển logistics.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, ngoài những tiềm năng trên, logistics Việt Nam còn có rất nhiều lợi thế khác để phát triển như: Nguồn lao động trẻ, giá rẻ; đất nước đang trên đà phát triển mạnh nên logistics được quan tâm đầu tư…

“Logistics phát triển sẽ làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao trình độ quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị. Điều này sẽ giúp cho ngành thương mại, dịch vụ phát triển một cách nhanh chóng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Và những khó khăn cần tháo gỡ

Thời gian qua, ngành dịch vụ logistics của nước ta đã có những bước phát triển cả về chất và lượng, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn khá cao, chiếm tới 20 - 25% GDP cả nước. Đây cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành, lãng phí nhiều nguồn lực trong nước và hạn chế sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Theo ông Vũ Vinh Phú, do giá cước vận chuyển cao, cùng với sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường biển và hàng không nên chủ yếu nông sản vận chuyển bằng đường bộ, trong khi chi phí đường bộ cao hơn 20% so với đi đường thủy.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

Hiện đa số doanh nghiệp logistics nội địa có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL, cụ thể là dịch vụ vận tải hàng hóa.

Phân tích về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân trước tiên tác động đến sự phát triển của logistics là cơ sở hạ tầng. Và một trong những hạn chế lớn nhất trong hạ tầng giao thông vận tải là thiếu kết nối giữa các bên, chưa kể tình trạng chung là nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng.

Tiếp đến, khung thể chế và pháp luật điều chỉnh các hoạt động logistics mặc dù tương đối đầy đủ, nhưng với sự hội nhập khu vực và quốc tế trong thời gian qua đã khiến cho một số quy định đã không còn phù hợp, thiếu cập nhật, từ đó chưa tạo thị trường dịch vụ logistics minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển bền vững.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Cùng với ý của ông Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội chỉ ra rằng, hiện nay, số lượng doanh nghiệp logistics ở Việt Nam gấp 6 lần các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng sản lượng thì chỉ bằng ¼. Như vậy, rõ ràng đội thuyền, kho vận, đội xe tải, hệ thống nhân lực của doanh nghiệp Việt yếu kém, nhỏ bé và năng suất thấp.

Ông Phú chỉ ra nguyên nhân đầu tiên là do năng suất lao động và các trang thiết bị thấp. “Ví dụ, bốc ở cảng là người ta bốc nguyên khối, bốc hàng rời là bất đắc dĩ, điều này sẽ làm chậm quá trình trung chuyển hàng hóa. Hay như hệ thống tàu hỏa của nước ta không đồng bộ, khi đến trung chuyển, khổ đường sắt thay đổi, lập tức phải chuyển sang toa hàng khác…”, ông Phú nói.

Ngoài ra, ông Phú còn cho rằng, năng lực logistics của Việt Nam vẫn còn yếu, mặc dù đã có những tiến bộ những vẫn là “yếu nhiều hơn khỏe”. Chúng ta thiếu đầu mối quản lý thống nhất ngành dịch vụ logistics và chậm thể chế hóa, cập nhập hóa các thể chế chính sách phù hợp xu thế phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói riêng cũng như nền kinh tế thế giới nói chung.

Trong khi đó, các đối tượng sử dụng dịch vụ logistics như các công ty thương mại, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất chế biến của Việt Nam… chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt là các công đoạn còn lại từ cảng trong nước đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Hoạt động logistics không khác gì những mạch máu trong cơ thể nền kinh tế. Vì vậy, những bất cập trên cần sớm được giải quyết để có thể phát huy hết tiềm năng của ngành logistics và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới