Khu vực phường Long Biên (quận Long Biên, TP Hà Nội) có diện tích đất bãi ven sông Hồng khá rộng và được người dân sử dụng để canh tác nông nghiệp, trồng cây ăn quả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều diện tích là đất công do UBND phường Long Biên quản lý và được các cá nhân thuê thầu lại để trồng cây, phát triển kinh tế. Đất màu hay còn gọi là đất đỏ - đất phù sa (rất thích hợp cho việc trồng cây) cũng là “miếng mồi béo bở” cho một số đối tượng khai thác đất trái phép. Theo tìm hiểu, giá hiện tại của 1 mét khối đất màu khoảng từ 180.000 đến 200.000 đồng.

Qua phản ánh của người dân khu phố Thạch Cầu, phường Long Biên, trong suốt nhiều tại khu vực ven bãi sông Hồng đã diễn ra tình trạng khai thác đất màu trái phép, thời gian thường diễn ra vào khoảng từ 20 giờ tối đến 2 - 3 giờ sáng. Hàng vạn mét khối đất màu đã được vận chuyển đi tiêu thụ và hậu quả để lại là những vùng trũng, hố sâu không thể sử dụng để canh tác sản xuất.

Để ghi nhận những phản ánh trên, chúng tôi đã nhiều đêm có mặt tại khu phố Thạch Cầu để tận mắt chứng kiến và ghi lại cảnh khai thác vận chuyển đất màu trái phép này. Đúng như những gì người dân phản ánh, khoảng hơn 20 giờ tối ngày 25/02/2019; chúng tôi phát hiện một chiếc máy xúc mang nhãn hiệu Volvo di chuyển từ khu vực phố Thạch Cầu đi thẳng ra khu vực bãi ven sông Hồng. Trên khoang máy chiếc máy xúc được gắn lô gô  Hiếu Hằng - số điện thoại 0971.673. 324, theo chúng tôi được biết chiếc máy xúc này được thuê từ khu vực Sài Đồng (Long Biên) để làm nhiệm vụ đào bới, khai thác đất màu.

Chỉ một lúc sau, những chiếc xe tải có trọng tải khoảng 8 – 9 tấn di chuyển ra khu vực này để “ăn hàng”. Như một lập trình có sẵn, chiếc máy xúc nhanh chóng ắp đầy đất màu lên trên những chiếc xe, sau đó lái xe nhanh chóng vận chuyển đi tiêu thụ. Theo ghi nhận của chúng tôi, mật độ xe chạy cách nhau khá lâu dường như để không bị nghi ngờ.

Chiếc máy xúc mang lô gô Hiếu Hằng được thuê để đào bới, xúc đất tại khu vực ven bãi sông Hồng. Ảnh cắt từ clip

Chiếc máy xúc mang lô gô Hiếu Hằng được thuê để đào bới, xúc đất tại khu vực ven bãi sông Hồng. Ảnh cắt từ clip

Theo chân một chiếc xe tải mang biển kiểm soát  29C-062.xx từ khu vực bãi ven sông Hồng, khi được ắp đầy đất, lái xe cho xe di chuyển ngược ra phố Thạch Cầu. Chiếc xe chạy thẳng lên tuyến đê Long Biên – Bát Tràng và đương nhiên là phải chạy qua trước mặt Công an phường Long Biên, UBND phường Long Biên. Bám theo sau chiếc xe tải chở đất màu, điểm cuối là một bãi đất thuộc ấp Bá Khê (xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi đất màu là của một người khá nổi tiếng trong ngành nghề kinh doanh vận tải, đất màu phục vụ trồng cây tại huyện Văn Giang tên là H. – biệt danh H. “quất”. H. “quất” có một dàn phương tiện vận tải chuyên chở đất màu và hàng vạn khối đất màu được múc trộm từ ven bãi sông Hồng được H. “quất” cho vận chuyển về đây làm nơi tập kết sau đó bán lẻ cho người dân trồng cây tại địa phương. Người dân phường Long Biên còn cho biết, khu ven bãi sông Hồng nơi H. “quất” khai thác đất màu là khu vực có nhiều người thân, quen của H. sinh sống, sử dụng hàng nghìn mét vuông diện tích đất bãi. Phải chăng đây chính là điều kiện thuận lợi để H. “quất” tiến hành đào trộm đất màu đem tiêu thụ để thu lợi bất chính?

Những khu đất màu bị đào khoét hình thành những thùng, hố lớn. Ảnh: Quốc Trần

Những khu đất màu bị đào khoét hình thành những thùng, hố lớn

Qua nhiều đêm ghi nhận, công việc của những đối tượng khai thác đất trái phép diễn ra một cách đều đặn và ngang nhiên. Ban ngày, chúng tôi trở lại những điểm đã bị máy xúc đào bới vào ban đêm thì cả khu vực đất bãi sông Hồng đã bị đào bới nham nhở, hình thành những hố, thùng sâu hoắm. Và để canh tác lại trên những diện tích đã bị đào bới lấy đi hàng vạn mét khối đất màu này quả thực là chuyện không đơn giản.

Sự việc đã rõ như ban ngày nhưng vì sao UBND phường Long Biên, Công an phường Long Biên là những cơ quan chức năng gần nhất có đầy đủ chế tài để xử lý lại không phát hiện, xử lý tình trạng này?

Tối ngày 26/2/2019, chúng tôi đã liên hệ với Phó Trưởng Công an phường Long Biên – ông Hải để đề nghị cơ quan này phối hợp, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác đất màu trái phép trên. Sau đó, ông Hải đã cử một cán bộ công an tên Phong đến cùng phóng viên ghi nhận sự việc. Nhưng lạ thay, sau một hồi quan sát cảnh máy xúc đào bới đất màu, những chiếc xe tải vô tư vận chuyển đất màu đi tiêu thụ thì vị cán bộ này chỉ đứng im mà không có bất kì động thái nào. Khi chúng tôi thắc mắc về việc vì sao không báo cáo xử lý tình trạng này thì ông Phong cho biết: “Đợi xin ý kiến lãnh đạo”, ông này còn viện đủ lý do để từ chối việc báo cáo xử lý và bỏ về trước sự ngỡ ngàng của phóng viên.

Khu vực bị đào bới không thể sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Quốc Trần

Khu vực bị đào bới không thể sản xuất nông nghiệp. 

Tưởng chừng như ngày hôm sau, tình trạng này đã được Công an phường Long Biên xử lý một cách hiệu quả, triệt để nhưng những gì chúng tôi chứng kiến lại ngược lại. Chiếc máy xúc vẫn vô tư ra ven bãi sông để tiến hành đào bới đất màu. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục liên hệ với phía Công an phường Long Biên và chỉ sau đó không lâu bỗng dưng chiếc máy xúc dừng hoạt động, những chiếc xe tải cũng vội vã bỏ chạy ra khỏi khu vực phố Thạch Cầu.

Trong nhiều ngày, không chỉ có phía Công an phường Long Biên không có động thái phát hiện, xử lý mà tuyệt nhiên không có bất kỳ lực lượng chức năng nào của UBND phường Long Biên xuất hiện. Vì sao chiếc máy xúc và những chiếc xe tải bỗng dưng dừng hoạt động khi phóng viên liên hệ với Công an phường Long Biên, UBND phường Long Biên cũng nằm ngoài sự việc? Phải chăng đang có dấu hiệu của việc “chống lưng” cho việc khai thác đất màu trái phép này?

Trong suốt một thời gian dài, hàng vạn mét khối đất màu đã bị khai thác trái phép đem lại nguồn lợi không nhỏ cho một số cá nhân nhưng đã không được cơ quan chức năng xử lý. Sự việc rất cần sự vào cuộc chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội để làm rõ và xử lý nghiêm hành vi đánh cắp tài nguyên quốc gia, coi thường pháp luật. Mặt khác cũng cần làm rõ dấu hiệu của việc làm ngơ, "chống lưng" cho hoạt động này.

 

Theo congluan.vn