Các trường đại học sẽ hoàn toàn được tự chủ từ 1/7/2019. Ảnh: Chí Cường

Các trường đại học sẽ hoàn toàn được tự chủ từ 1/7/2019. Ảnh: Chí Cường

Tăng tính tự chủ đối với trường đại học

Tại buổi họp báo công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã được Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ký lệnh Công bố vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An nhấn mạnh bối cảnh, sau 5 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo đó, Luật được sửa lần này tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH, đảm bảo sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Hải An, điểm mới của Luật đó là quy định rõ hệ thống cơ sở GDĐH gồm đại học và trường đại học, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, khắc phục một số vấn đề bất cập nhưng vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển. Luật cũng làm rõ vấn đề sở hữu; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở công lập và tư thục và thúc đẩy sự phát triển của cơ sở tư thục. Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống. Trong đó, tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH.

Ngoài ra, Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của Hội đồng trường… phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một điểm mới nữa, theo Thứ trưởng Lê Hải An, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở GDĐH để tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện tự chủ. Cơ sở có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Khuyến khích sáp nhập trường đại học

Cũng theo Bộ GD&ĐT, khi áp dụng các quy định mới, các trường ĐH được tự quyết định việc mở ngành mà không phải xin phép hay đăng ký cơ quan quản lý về chuyên môn như trước đây. Nhưng các điều kiện mở ngành, tiêu chuẩn chất lượng để mở ngành thì Luật GDĐH vẫn phải giữ. Thậm chí còn phải quy định chặt chẽ hơn. Những tiêu chuẩn mở ngành như căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường, nội lực của nhà trường (hệ thống giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo). Ngoài ra, phải căn cứ vào sự chấp nhận của xã hội cho ngành đó đối với sản phẩm của nhà trường...

Chia sẻ thêm về tính tự chủ của các trường đại học khi áp dụng luật mới, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Luật cũng cụ thể hóa và đổi mới quản trị ĐH, kiện toàn Hội đồng trường (HĐT). HĐT phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường ĐH, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (Hiệu trưởng), chiến lược phát triển cũng như các chủ trương đầu tư lớn của nhà trường. Luật cũng chú trọng phát triển hệ thống, đặc biệt là khuyến khích các trường lớn có tiềm lực sáp nhập thành những ĐH lớn hoặc một số trường trong cùng một nhóm ngành, địa phương liên kết với nhau thành các ĐH lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Về lộ trình thực hiện theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, khi Luật GDĐH chính thức có hiệu lực, các trường sẽ có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động: Học thuật, tài chính, nhân sự làm sao cho hiệu quả nhất để phục vụ cho chính sách chất lượng phát triển của nhà trường để cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế. Các trường được mở ngành đào tạo, tuyển dụng bổ nhiệm nhân sự cấp cao khi có đủ điều kiện.

“Thực tế ngay khi dự thảo sửa Luật, chúng tôi cũng đã chuẩn bị danh mục các văn bản hướng dẫn luật. Để hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số luật, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng 2 Nghị định hướng dẫn trực tiếp. Hiện nay, cả 2 Nghị định đều có dự thảo. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng rà soát lại tất cả các quy chế đào tạo như đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, trình độ thạc sĩ, văn bằng 2… Tất cả những quy chế đào tạo đều phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với những quy định mới nhất của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH với tinh thần trao quyền tự chủ cho các trường ĐH”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH vừa được Quốc hội thông qua có 4 nhóm chính sách mới có hiệu lực từ 01/07/2019. Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo việc xây dựng 2 Nghị định hướng dẫn (Dự kiến ban hành tháng 05/2019) và rà soát lại các văn bản có liên quan để thực thi Luật. Luật cũng quy định rõ, cơ sở Giáo dục đại học có trách nhiệm minh bạch thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước quản lý theo pháp luật, quy chuẩn chất lượng; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong Giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Quang Anh

Theo Giadinh.net.vn