“Hồng nhan bạc phận” vốn đã vận vào gia tộc Hội đồng Lịnh. Không phải chỉ vì dàn cast toàn siêu mẫu, hoa hậu, hot girl nức tiếng showbiz mà đặt vào giai đoạn bấy giờ, khi nhà họ Huỳnh xem như một “vương triều” của khu Đại Điền trù phú, thì những cô gái bước vào phú gia nếu chẳng phải thiên kim tiểu thư thì cũng phải là giai nhân tài đức. Xinh đẹp càng nhiều, hiểu biết càng rộng nhưng chẳng ai thoát được guồng luật lệ hà khắc, để càng vùng vẫy xóa tan xiềng xích càng thấy bản thân nhơ nhuốc lấm lem.

Sen muốn vươn lên khỏi đầm nhưng bùn nhơ cứ kiềm hãm, đến cả mầm lương thiện cũng bị bóp ngạt đến mức chẳng nhận ra.

Sen muốn vươn lên khỏi đầm nhưng bùn nhơ cứ kiềm hãm, đến cả mầm lương thiện cũng bị bóp ngạt đến mức chẳng nhận ra.

Nhiều người bảo Ba Trân ác, là “con đàn bà rắn độc”. Cái liếc mắt sắc như dao, bước chân quyền lực đủ để e dè. Ba Trân như nữ vương một cõi, hàng trăm giai nhân, tá điền đều ngoan ngoãn phục tùng chỉ sau cái ngoắc tay. Vậy mà Ba Trân đáng thương đến lạ, quyền lực mấy cũng chẳng phải đích đến của phận đàn bà. Yếu đuối chẳng cho ai xem thì buộc mình phải “xù lông” hóa rắn độc. Nhưng cuối cùng rồi, mợ cả Huỳnh gia nhận lại được chi?

Làm vợ hiền, liệu có an yên?

Mẹ chồng nào cũng từng là con dâu và trước khi hóa rắn độc, Ba Trân cũng từng là một cô gái thục đức. Nữ chính của “Mẹ chồng” xuất hiện với hình ảnh đoan trang, rạng rỡ ngày tân hôn. Phim chẳng nhắc nhiều đến tình yêu giữa vợ chồng cậu Hai Nhứt, chẳng biết được cuộc hôn nhân này do sắp đặt hay là xuất phát từ chuyện tình. Chỉ biết rằng, khi ấy Ba Trân đẹp lắm, đằm thắm lắm, có thể xem là thời khắc đẹp nhất trong phim, dẫu về sau mợ Cả càng sắc sảo, mặn mà. Đó cũng là lần đầu, người ta thấy Ba Trân cười, bởi phụ nữ khi yêu làm gì giấu được niềm vui qua khóe môi, ánh mắt.

“Mẹ chồng”, bức tranh 4 mùa… có mùa nào vui?

 Rạng rỡ vậy, nhưng ai biết sóng gió chực chờ bủa vây.

 Rạng rỡ vậy, nhưng ai biết sóng gió chực chờ bủa vây.

Mà hạnh phúc thật sự chẳng tày gang, mới vui đó, rồi lại bẽ bàng đó. Ba Trân chẳng may để mất đứa con đầu lòng nên đành ngậm ngùi san sẻ hạnh phúc lứa đôi. Ngày mợ Bảy Loan về, pháo - hoa rợp lối, mọi người thi nhau chúc tụng. Ngày đó, ai cũng cười, duy chỉ một người cuối đầu lặng lẽ. Ba Trân bị buộc phải mang danh xưng “vợ cả” thay vì “vợ”, mang chồng trao tay kẻ khác, để “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”.

Lòng dạ đàn bà vốn hẹp, gói gọn chỉ chuyện chồng – con. Con mất đã đành nhưng kiếp chồng chung làm sao chịu thấu. Ngày vui của chồng, người ta chỉ thấy Ba Trân lặng lẽ cúi đầu, 2 tay run run siết chặt, đáy mắt ngấn lệ chẳng dám bật ra thành tiếng. Ý đồ phim chẳng có lấy 1 lời thở than, nhưng chẳng phải vì vậy mà người đàn bà này trái tim sắt đá đâu.

 Chiếc áo sẫm màu, trái ngược với số đông cũng để ám chỉ tâm trạng và số phận Ba Trân.

Chiếc áo sẫm màu, trái ngược với số đông cũng để ám chỉ tâm trạng và số phận Ba Trân.

Uy quyền trước trăm người nhưng mềm yếu với một người

Thời điểm chồng mất, cũng là lúc cô biết mình lên chức mẹ. Niềm khao khát bấy lâu nay, lại nhận ra vào ngày chồng mất. Rồi chút niềm vui trong những ngày thống khổ đã giúp cô lấy lại vị trí, thậm chí dần dần thâu tóm uy quyền thay thế bà Hai Lịnh. Mỗi bước chân mợ Cả là nhiều gia nhân theo sau, hàng trăm tá điền cúi đầu tuân lệnh. Người ta bảo Ba Trân một tay che trời, nhưng ai phủ nhận được quyền uy. Tất cả chỉ đợi danh chính ngôn thuận nhận gia bảo để bước lên ngai nữ quyền.

Nhưng bước ngoặt mới đâu được trọn vẹn, đứa con cầu tự - mấu chốt của những bi kịch đời cô lại ngờ nghệch, chẳng hơn đứa trẻ lên 3. “Hai Phước là con của cô Ba Trân, cháu đích tôn của nhà họ Huỳnh” như một lời khẳng định: chàng trai ngờ nghệch này là quý tử của người phụ nữ quyền lực nhất vùng Đại Điền và là người thừa kế Huỳnh Gia chứ không phải một ai khác. Tất cả đã được Ba Trân vạch ra, cho cậu con trai kém trí và cho cuộc sống ấm êm đủ đầy sau những tháng ngày dẫu chẳng còn cô.

Lần thứ 2, người ta thấy Ba Trân rạng rỡ kể từ khi bước vào nhà chồng.

Lần thứ 2, người ta thấy Ba Trân rạng rỡ kể từ khi bước vào nhà chồng.

Khi rắn chưa thay da, khi cơn thèm khát quyền lực trổi dậy, sẵn sàng thanh trừng những điều cản bước, thế nhưng ta vẫn bắt gặp mợ Cả yếu lòng khi nhìn đứa con thơ. Tham gia cuộc thi thố sau vụ gặt tưởng chừng là “bình thường” nhưng lại “phi thường” với Hai Phước. Dõi theo con, ánh mắt căng thẳng như chính cô bước vào cuộc chiến. Rồi con ngã quỵ trên sân, “xà mẫu” chỉ chực chờ chồm ra khỏi ghế để nâng đỡ và ôm ấp như thuở còn bế bồng. Rồi điều bất ngờ trong cuộc chơi mừng mùa thu hoạch là cậu hai nhà họ Huỳnh mang về chiến thắng. Trong đáy mắt long lanh, cái thở phào nhẹ nhõm của Ba Trân là chút hồ hởi sau bao bỉ cực tăm tối.

“Mẹ chồng”, bức tranh 4 mùa… có mùa nào vui?

Một chi tiết đắt giá trong phim, cũng là lần đầu mợ Cả bật khóc sau khi quyền lực đã thâu tóm về tay chính là lúc cô tắm cho con trong ngày rước nàng dâu thứ 2 về nhà. Đằng sau “cuộc chiến ngầm”, “xà mẫu” cởi bỏ chiếc áo tàn độc chua ngoa để trở về bản chất yếu mềm của người phụ nữ. "Nếu ngày đó má không giữ được con thì má cũng như con cào cào này. Có búng có nhảy thì cũng chỉ là kiếp sống trong tay người ta". Để rốt cuộc rồi, Ba Trân thâu tóm quyền lực để cho ai, tranh quyền đoạt vị vì điều gì… vì thống khổ trong quá khứ hay vì đứa con trai mãi mãi ở tuổi lên 3.

Khao khát yêu thương cũng là một niềm sai

Quyền lực thâu tóm, một tay che trời, Ba Trân được hình tượng hóa như một người máu lạnh, nhưng cuối cùng, ả cũng là đàn bà. Mà đàn bà mạnh mẽ cách mấy chẳng thể chối bỏ bản năng, cần một bờ vai nương tựa, một người chung chăn sẻ gối. 2 năm sau ngày cưới, Ba Trân mất chồng về tay kẻ khác, 1 năm đằng đẳng sống trong “lãnh cung” để rồi chờ được tin… chồng vĩnh viễn ra đi. Bấy nhiêu thời gian nuôi con, sống đời lẻ bóng cô quạnh, phải sắt đá đâu mà chẳng khao khát yêu đương?

“Mẹ chồng”, bức tranh 4 mùa… có mùa nào vui?

Số phận trớ trêu, cả hai gặp nhau vào thời điểm trái với luân lí, lẽ thường.

Số phận trớ trêu, cả hai gặp nhau vào thời điểm trái với luân lí, lẽ thường.

Rồi Hai Đìa bước vào cuộc đời mợ Cả theo tiếng gọi của huyền hương thảo – thứ tà phép khiến đàn ông mê muội, rắn độc cũng bị điều khiển. Đó là ý đồ phim nhưng lí lẽ của người đời: vốn dĩ tình cảm thì chẳng cần bất kì tà chú. Nàng dẫu góa chồng nhưng vẫn là giai nhân tài sắc, chàng là thân cận trung thành, có thể bất chấp làm mọi thứ vì nàng. Nên “lửa gần rơm”, “trai đơn gái chiếc”, thì luật lệ nào thắng được lí lẽ con tim.

Nếu đơn thuần chỉ dùng Hai Đìa như một tôi tớ, thì chẳng có buổi chiều hoàng hôn nói lời chia li đến quặn lòng: “Đại Điền sắp tới không còn bình yên”; không có đêm tiễn đưa trước khi thuyền rời bến; không có nước mắt nghẹn ngào với di nguyện: “Tôi muốn nhìn trọn vẹn gương mặt mợ lần cuối” và chắc chắn sẽ không có cảnh tượng một mình tọa vị tại “ngai vàng” mà đau như xé nát tâm can…

Ba Trân đã giết Hai Đìa để trừ hậu hoạn. Mà cũng chẳng phải lần đầu cô tàn độc ra tay: gián tiếp khiến mẹ chồng “sống không bằng chết”; trừng trị Chín Tỵ vì đe dọa uy quyền… nhưng với lần này là giết chính người thương. 

“Mẹ chồng”, bức tranh 4 mùa… có mùa nào vui?

Ba Trân có "muốn" giết Hai Đìa, câu trả lời là không, nhưng đây là điều "phải" thực hiện. Mối quan hệ đã bị nghi ngờ, khi không chỉ nàng dâu mới Tuyết Mai mà Chín Tỵ cũng từng mang ra hâm dọa mợ Cả. Cây kim trong bọc sao chẳng có ngày lòi ra. Để rắn độc  đường hoàng chờ ngày thay da thì chẳng còn cách nào khác.

Vậy mà mợ chua xót như điên dại, đau hơn cả nỗi đau mất chồng. Cảnh người xem quặn thắt nhất là lúc cô quay trở về gian nhà chính, gục trên chiếc "ngai vàng" mà nửa đời mình ra sức tranh đấu. Thời điểm ấy, có thể xem Ba Trân đã thắng, thắng trong cuộc đua quyền lực, nhưng là mãi mãi thua vì một chữ "tình". "Tình" dẫu thốt lời nhẹ tênh, nhưng bao nặng trĩu mất mát. 

Ngày lên, mợ là "nữ vương", còn khi đêm xuống mợ cũng là "tôi tớ" của bao bỉ cực phận đàn bà. Rồi trong cảnh tranh sáng tranh tối khi bình minh lên, người ta vẫn thấy mợ ngồi giữa gian nhà, đôi mắt ráo hoảnh buông vào hư không. Yêu hay nước mắt vốn chỉ của Ba Trân, không phải của mợ Cả. Mà phận con dâu Huỳnh gia có bao giờ được sống cho mình, buồn - vui ai thấu, khóc - cười ai thương.

“Mẹ chồng”, bức tranh 4 mùa… có mùa nào vui?

Phải tự tay giết người đàn ông yêu thương, còn chua xót nào bằng!

Phải tự tay giết người đàn ông yêu thương, còn chua xót nào bằng!

Vì 4 chữ: “Tiết hạnh khả phong” khao khát yêu thương trở thành điều nhuốt nhơ, là hư đốn của phận đàn bà, là nỗi ô uế của gia phong. 

3 lần, người ta thấy Ba Trân cười: ngày cưới, ngày hạ sinh con trai và ngày con “trưởng thành” trong cuộc vui mừng mùa vụ. Rồi cũng có 3 lí do khiến cô khóc: vì chồng, vì con và vì tình nhân. Ba Trân không may mắn, cả 3 người đàn ông đến với cô chẳng ai có thể bảo vệ, tựa nhờ. Và để khi bản thân “xù lông”, thì muôn đời phải mang tiếng ác. Rồi nếu không có 3 người đàn ông này, không bị bủa vây bởi xiềng xích gia tộc, Ba Trân có cần phải hóa “rắn độc” không?

Thương xót thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” - (Nguyễn Du)

Theo Bảo Ngọc/Reatimes