Phòng khám Đa khoa Khương Trung chẳng ngần ngại "nhận vơ" quảng cáo Sở Y tế Hà Nội làm "mẹ đẻ" để hoạt động lừa dối khách hàng suốt thời gian dài?

Cụ thể, khi truy cập vào website của Phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung hình ảnh đập vào mắt người xem là banner cùng dòng chữ “Phòng khám Đa khoa Khương Trung – Đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Nội”. Phía dưới là hàng loạt những bài viết quảng cáo có nội dung khẳng định phòng khám này là “số 1 Hà Nội”, “tốt nhất”, “chất lượng nhất Hà Nội”…

Theo tìm hiểu, Phòng khám Đa khoa Khương Trung do Công ty Cổ phần Y học Công nghệ cao lập ra, được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và giấy phép hoạt động theo luật Khám – Chữa bệnh. Sở Y tế Hà Nội chỉ là cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám này.

Phòng khám Đa khoa Khương Trung là

Phòng khám Đa khoa Khương Trung là "con đẻ" của Sở Y tế Hà Nội? (ảnh chụp từ website http://phongkhamkhuongtrung.org)

Trên Website của mình, Phòng khám 59 Khương Trung tự nhận mình là

Trên Website của mình, Phòng khám 59 Khương Trung tự nhận mình là "tốt nhất ở Hà Nội".

Làm việc với phóng viên Thời báo Việt làng nghề, ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y Tế Hà Nội khẳng định: “Phòng khám đa khoa 59 Khương Trung không phải là đơn vị trực thuộc Sở Y Tế Hà Nội mà đây chỉ là đơn vị ngoài công lập được Sở Y Tế Hà Nội cấp phép đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn…”.

PKĐK 59 Khương Trung ngang nhiên mượn danh Sở Y Tế Hà Nội để quảng cáo.

PKĐK 59 Khương Trung ngang nhiên mượn danh Sở Y Tế Hà Nội để quảng cáo.

Đối với việc PKĐK 59 Khương Trung tự phong mình là số 1, quảng cáo thô tục thì ông Cường cũng khẳng định : đây là sai và đang yêu cầu phòng khám tháo dỡ quảng cáo trái quy định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Cường lại “du di” thời gian cho sai phạm của phòng khám này khi chưa tiến hành lập biên bản vi phạm, xử phạt… để thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Như vậy việc Phòng khám Đa khoa Khương Trung đã trắng trợn “đắp” lên mình “chiếc áo” chắc chắn là Sở Y tế Hà Nội để dễ bề hoạt động, kinh doanh gian dối, lừa gạt khách hàng mà không hề được cơ quan quản lý phát hiện?

Những lời quảng cáo

Những lời quảng cáo "uy tín" của Phòng khám Đa khoa Khương Trung (ảnh chụp từ website http://phongkhamkhuongtrung.org).

Theo thông tin trên Báo Kinh doanh và Pháp luật, ở một tình tiết khác, vào khoảng 10h ngày 21/3/2016, nhân viên bảo vệ cùng ông Nguyễn Thế Anh (chủ phòng khám đa khoa 59 Khương Trung) đã ép buộc một người dân đứng phía ngoài chụp ảnh phòng khám vào phòng làm việc, yêu cầu người này xóa ảnh và giữ lại không cho ra về.

Nhiều người dân tụ tập trước cửa Phòng khám Đa khoa Khương Trung để theo dõi việc chủ và bảo vệ của phòng khám này

Nhiều người dân tụ tập trước cửa Phòng khám Đa khoa Khương Trung để theo dõi việc chủ và bảo vệ của phòng khám này "giam lỏng" người chụp ảnh.

Người bị giữ tại phòng khám là anh Lê Đình Khương (Triệu Sơn, Thanh Hóa), theo trình báo của anh Khương tại cơ quan công an, sáng nay (21/3) vào khoảng 10h, anh tới phòng khám 59 Khương Trung hỏi làm giấy khám sức khỏe, nhân viên lễ tân cho biết ở đây không có dịch vụ đó, anh Khương ngay lập tức ra về, khi lấy xe, anh giơ điện thoại lên chụp lại biển hiệu ngoài đường của phòng khám thì lập tức bị bảo vệ yêu cầu xóa ảnh.

Sau đó bảo vệ yêu cầu anh vào trong phòng khám, mặc dù anh Khương đã đồng ý và xóa hình ảnh chụp, nhưng ông Thế Anh (tự xưng là chủ phòng khám) đã có hành vi giam lỏng anh Khương, không cho anh ra về. Cùng lúc đó, nhận được tin báo, công an phường Khương Trung nhanh chóng có mặt giải quyết sự việc.

Đến khoảng 12h cùng ngày, lực lượng Công an phường Khương Trung mời hai bên về trụ sở để tiếp tục giải quyết sự việc. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng yêu cầu ông Thế Anh và một số nhân viên phòng khám đến trụ sở để làm việc.

Sự “ồn ào” và “bất bình thường” của Phòng khám Đa khoa Khương Trung đã gây chú ý của rất nhiều dân hiếu kỳ đi qua đây.

Cũng theo thông tin trên tờ Kinh doanh và Pháp luật, năm 2012, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đích thân kiểm tra đột xuất tại phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung và phát hiện sai phạm liên quan đến sử dụng bác sĩ Trung Quốc chưa được cấp phép hành nghề.

Tại phòng điều trị II lại đặt bàn tiểu phẫu, thuốc không có hóa đơn nhập, chữ nước ngoài không có nguồn gốc xuất xứ. BS chuyên khoa ngoại vắng mặt không có ở PK, nhưng phiếu thủ thuật có đóng dấu tên sẵn tại phòng; việc thu tiền dịch vụ các loại thủ thuật không rõ ràng.

Đề nghị các cơ quan hữu trách sớm vào cuộc, xác minh, làm rõ một số thông tin quảng cáo được cho là “bất bình thường” của Phòng khám Đa khoa Khương Trung để người dân yên tâm, tránh những hành vi gian dối, gạt lừa không đáng có.

Theo Giám đốc một phòng khám phụ khoa trên địa bàn Hà Nội cho biết: Không có cơ quan chức năng nào công nhận cho một phòng khám nào là tốt nhất. Việc tốt hay không là do bệnh nhân đánh giá. Tự đánh giá mình là tốt nhất của một số phòng khám chỉ là chiêu trò quảng cáo mà thôi”.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo Khoản 11, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 thì: Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đó là hành vi bị cấm. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.

Theo PV (tổng hợp) / Gia đình Việt Nam