Trao đổi cùng báo chí bên hành lang Quốc hội kỳ họp vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, dù ngân sách khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo đúng lộ trình tăng lương để đến năm 2020, tiền lương cơ sở phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ công chức.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 đang được nhiều người lao động quan tâm. Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đến tháng 10/2015, Hội đồng tiền lương quốc gia gồm có đại diện 3 bên gồm Chính phủ, công đoàn, đại diện các chủ doanh nghiệp và Hiệp hội các DN mới nhóm họp để xây dựng một mức lương dự kiến mức chuẩn của các vùng khác nhau (vùng 1, 2, 3, 4).

Theo đó, mức lương mới sẽ nhích lên, vượt năm 2015 với hướng tỷ lệ với mức, tỷ lệ trượt giá. Nhưng cụ thể thì chưa có câu trả lời ngay bây giờ vì phải đợi Hội đồng lương họp, bàn bạc, kết luận và báo cáo Chính phủ và phải được Chính phủ đồng ý. Hiện tại mới hết tháng 6, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chưa lấy ý kiến hội đồng tiền lương nên chưa tính toán được.

Các doanh nghiệp phải thực hiện mức lương tối thiểu cho người lao động. Thực chất, các DN trả cho người lao động lương cơ bản là chính. Cho nên, mức lương tối thiếu của DN cao hơn so với đơn vị hành chính. Nhưng đơn vị hành chính mình cứ 3 năm một lần nâng lương nhưng với DN thì quyền quyết định tăng lương thuộc về DN.

Nhiều nghị định liên quan đến tiền lương, tiền thưởng sẽ được ban hành trong năm nay.

Nhiều nghị định liên quan đến tiền lương, tiền thưởng sẽ được ban hành trong năm nay.

Vì thế, lương tối thiểu phải cao, đảm bảo theo chỉ đạo cải cách tiền lương là phấn đấu mức lương tối thiểu phải đảm báo mức sống tối thiểu.

Tháng 10 hằng năm phải có phương án tăng lương vì liên quan đến kế hoạch tiền lương của DN năm sau. Chậm nhất là tháng 11, Chính phủ phải công bố được mức lương tối thiểu của năm sau để các DN có cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính của họ.

Theo Nghị quyết, đến 2015 mức lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu. Tư tưởng thì muốn đạt được mục tiêu này sớm nhưng, do khó khăn chung nên phải có lộ trình.

“Theo báo cáo của cơ quan thống kê, thì mức lương này hiện nay đáp ứng được 63% mức sống tối thiểu. Như vậy, hàng năm mình sẽ cập nhật đến khi nào lương tối thiểu bằng cơ bản với mức sống tối thiểu thì lúc đó mới dừng việc đề xuất” -Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

Về kế hoạch tăng lương cho năm 2016, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản ở các khu vực từ ngày 1/1/2016, Ban Chỉ đạo quốc gia về cải cách chính sách tiền lương đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với một số bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh mức lương cơ sở trên kết quả tạo nguồn của Bộ Tài chính trong năm 2015.

Theo đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để trình Trung ương khi cân đối được nguồn lực. Nghiên cứu xây dựng bảng lương chuẩn trên cơ sở mức lương tính đủ theo nhu cầu tối thiểu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về chính sách tiền lương đối với lao động trong các doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và sớm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động./.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Gia đình Việt Nam