Cảnh bệnh nhân và người bệnh phải sinh hoạt ở hành lang bệnh viện vẫn phổ biến cho thấy điều kiện vật chất của Việt Nam còn nhiều khó khăn
Cảnh bệnh nhân và người bệnh phải sinh hoạt ở hành lang bệnh viện vẫn phổ biến cho thấy điều kiện vật chất của Việt Nam còn nhiều khó khăn

Tại buổi họp thảo luận chuyên đề về việc làm thế nào giảm người Việt Nam đi ra nước ngoài để khám, chữa bệnh và làm thế nào để thu hút người nước ngoài đến các cơ sở y tế của Việt Nam để khám, chữa bệnh vừa tổ chức ngày 18/2, Cục khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế) ước tính trong năm 2018 người Việt Nam đã tiêu tốn 2 tỷ USD cho việc đi nước ngoài để khám, chữa bệnh, và ước tính người nước ngoài đã có 300.000 lượt khám ngoại trú và 57.000 lượt điều trị nội trú tại các bệnh viện của Việt Nam.

Bộ Y tế cho rằng việc để 2 tỉ USD của người Việt mang ra nước ngoài khám, chữa bệnh là một sự “chảy máu” ngoại tệ rất đáng tiếc, cần phải có giải pháp để giữ chân nguồn ngoại tệ này và “kéo” người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh.

Năm 2019, Bộ Y tế đặt mục tiêu sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch y tế.

Theo đánh giá, số lượt bệnh nhân nước ngoài đến khám, điều trị tại Việt Nam như trên vẫn còn quá khiêm tốn. Bệnh nhân nước ngoài đến khám, chữa bệnh tại Việt Nam hiện chủ yếu bệnh nhân là Việt kiều và bệnh ở các nước lân cận như Campuchia, Lào... còn bệnh nhân ở các nước lớn Châu Á hay Châu Âu vẫn còn quá khiêm tốn.

Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường truyền thông và tiếp thị về du lịch y tế. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong nước và nước ngoài có trình độ, tay nghề, uy tín cao. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin.

Trong thời gian tới sẽ có cơ chế tài chính đặc thù về giá, thanh toán, chi phí vận hành… theo cơ chế thị trường cho loại hình dịch vụ cao cấp cho người có thu nhập cao nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân.

Theo giadinhmoi.vn