Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin kết quả thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2019.

Ước tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,185 triệu người; BHXH tự nguyện là 551 nghìn người; bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là 15,068 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,343 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 85,390 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.

Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước 361.549 tỷ đồng, đạt 100,54% kế hoạch cả năm.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia, trong năm 2019, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH phù hợp với các quy định mới, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cơ quan chức năng giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Luật BHXH, BHTN.

Người dân, DN làm thủ tục BHXH tại BHXH Sóc Sơn

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHTN; kiểm soát chặt chẽ các thủ tục chi trả các chế độ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ theo quy định.

Trong năm 2019, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc. Số người tham gia tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó.

Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia, đến hết năm 2018 con số này là 270.000 người.

Đến hết năm 2019, toàn quốc có 551.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 281.000 người so với năm 2018. Đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 đến năm 2018. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH.

Việc vận động người dân tham gia đang còn không ít khó khăn, thách thức do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động tự do có mức thu nhập thấp, bấp bênh trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm). Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn các đại lý thu…

Với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và dưới sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt; chủ động phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia.

Tính đến ngày 30-11-2019, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 8.574 đơn vị. Qua đó, phát hiện 29.050 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, với số tiền phải truy đóng là 127,4 tỷ đồng; 33.011 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 63,5 tỷ đồng; tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là 880,9 tỷ đồng...

Theo Pháp luật & Xã hội