Trong bài vè cổ Lục súc tranh công, con lợn đã lập luận:

"Kìa những việc hôn nhân giá thú

Không heo ra tính đặng việc chi?

Việc hòa giải heo đầu công trạng

Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù".

Công trạng của con lợn trong đời sống kinh tế là không thể phủ nhận. Trong ca dao, trong nghệ thuật, lợn là biểu tượng cho sự giàu có, sung túc. Cái việc “hôn nhân giá thú” mà trong nhà không có con lợn là không xong, việc giỗ chạp mà không có đầu heo thì không đặng.

"Cưới em anh nghĩ cũng lo/Con lợn chẳng có, con bò cũng không

Hay:

"Cồng cộc bắt cá dưới bàu/Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo".

Dân gian đã mượn hình ảnh con lợn để so sánh, ví von đầy dí dỏm trong ca dao, tục ngữ. Chẳng những trong lễ tiết hàng ngày mà còn được lồng ghép sinh động trong những câu tỏ tình trai gái:

"Cô kia đi chợ Hà Đông

Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi

Anh đi chưa biết mua gì

Hay mua con lợn phòng khi cheo làng".

Tục ngữ có câu “Cưới vợ không cheo như tiền gieo xuống suối”. Cheo là khoản nộp cho làng khi người con gái lấy chồng mà nhà trai phải lãnh trách nhiệm. Bên nhận là làng của cô gái và nó được coi như một sính lễ trong thủ tục cưới hỏi. Chẳng biết xuất xứ từ khi nào nhưng vì khoản tiền nộp cheo ấy mà bao đôi trai gái thương nhau lại chẳng thể nên vợ thành chồng:

"Nuôi lợn thì phải vớt bèo/Cưới vợ thì phải nộp cheo cho làng".

Rồi: "Có cưới mà chẳng có cheo/Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài".

Và cái thứ tiền cheo ấy chẳng khác nào gánh nặng với những chàng trai nhà nghèo:

"Cưới em mười chín con trâu/Mười hai con lợn thì dâu mới về..."

Hoặc là: "Bao giờ gạo gánh đến nhà/Lợn kêu ý oét mới là vợ anh".

Để rồi khi không cưới được cô gái, chàng trai buồn bã than thân trách phận tựa như con lợn bị bỏ đói:

"Yêu nhau chả lấy được nhau

Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già".

Chàng trai quở trách thì cô gái cũng ấm ức. Tại cha mẹ tham vàng bỏ ngãi, muốn con gái được gả chồng giàu nên mới ép duyên, ai ngờ số phận hẩm hiu. Cô gái bất đắc dĩ đã trở thành món hàng để phụ huynh gả bán, để đổi lấy thúng xôi, con lợn:

“Mẹ em tham thúng xôi rền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ lườm, mẹ huýt mẹ bưng ngay vào

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho bằng".

Nói xa nói gần thì cũng chỉ bởi mẹ cha tham "con lợn béo". Con lợn béo được xếp vào hàng sang trọng trong những lễ vật mà nhà gái thách cưới. Trong câu ca dao dưới đây khi cô con gái mười tám tuổi, người mẹ đã ngồi thách cưới:

"Mẹ ơi, năm nay con mười tám tuổi rồi

Chồng con chưa có mẹ thời tính sao?

Con chim khách nó mách có hai bà mối

Mẹ ngồi thách cưới: Tiền chẵn năm quan/Quan chẵn năm ngàn/Lợn béo năm con/Áo quần năm đôi".

Bước chân về nhà chồng, cái số hẩm hiu vẫn đeo bám cô gái vì cha mẹ chồng ghét bỏ, phụ rẫy. Cô gái chỉ còn biết cam chịu:

"Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,

Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan,

Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan

Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười".

Được coi trọng là thế, song con lợn luôn là con vật bị người đời mang ra đổ thừa hết lần này đến lần khác. Giàu nghèo do con lợn, tội vạ cũng từ con lợn mà ra. Không chỉ thế, con lợn cũng là đại diện cho thói phàm ăn, phóng túng, lười biếng mà người xưa thường lấy hình ảnh của nó để chê bai:

"Ngán thay cái kiếp lợn sề

Ăn bèo với cám nằm lê trong chuồng".

Một thực tế không thể phủ nhận, con lợn là vật nuôi mang lại sinh kế cho người nông dân. Bởi thế tục ngữ có câu “giàu nuôi chó, khó nuôi heo”, còn ca dao thì rằng:

“Heo bột thì thịt ăn ngon

Heo nái đẻ bán lợn con cũng lời”.

Nói là vậy nhưng nuôi lợn đâu dễ làm giàu vì "chăn lợn 3 năm không bằng chăn tằm một lứa". Người nông dân một nắng hai sương nuôi được con lợn bán tống bán tháo có khi chẳng có ai mua. Cảnh mấy bà gánh lợn đi chợ bán nhưng ế chỏng ế chơ được thể hiện với giọng điệu cười cợt, song ngẫm cũng thấy tội nghiệp:

“Ba bà đi bán lợn con

Bán đi chẳng được lon ton chạy về

Ba bà đi bán lợn sề

Bán đi chẳng được chạy về lon ton”.

Thật kỳ lạ, không biết căn cứ vào đâu mà người xưa lại lấy việc nuôi lợn làm thước đo để đánh giá người phụ nữ. Tục ngữ nói: “Gái không biết nuôi heo là gái nhác/Trai không biết nuộc lạt là trai hư”. Trong khi đó, ca dao cũng khẳng định điều tương tự:

“Đàn bà thì phải nuôi heo

Thời vận đang nghèo chẳng đặng nuôi trâu”.

Người phụ nữ trong xã hội xưa thua thiệt trăm đường, lấy chồng nghèo thì quanh năm chỉ biết "rau heo, cháo chó", mọi việc lớn bé trong nhà đều một vai cáng đáng. Chồng con chẳng đỡ đần được gì đã đành đôi khi còn quấy quả:

"Đương khi lửa tắt, cơm sôi

Lợn đói, con khóc chồng đòi tòm tem".

Nãy giờ, tán chuyện con lợn cũng đã nhiều nhưng Xuân Kỷ Hợi mà không nói đến con lợn trong ngày Tết để hầu độc giả thì thật thiếu sót.

Thịt lợn là món ăn phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nó được chế biến thành nhiều món ăn ngon và không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Sinh thời, Nguyễn Khuyến gói gọn cái Tết chỉ trong hai câu thất ngôn "Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng/Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt".

"Đụng lợn" vốn là đặc trưng văn hóa làng xã ở Việt Nam. Ngày áp Tết trong xóm ngoài làng rộn rạo tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chan chát của thớt dao, tiếng chày giã giò nhịp nhàng trong cối đá.

Chọn con lợn để đụng thường là con lợn béo vì theo quan niệm “con lợn có béo thì cỗ lòng mới ngon”. Lợn béo thì cũng có nhiều thịt mỡ, mà "thịt mỡ dưa hành" lại là món ăn mang đậm nét truyền thống của dân tộc, đặc biệt trong cái Tết thời còn khốn khó. Nghệ thuật ẩm thực đánh giá cao sự kết hợp tuyệt vời giữa thịt mỡ với dưa hành của người xưa vì dưa hành làm tiêu chất mỡ. Và, gia vị của món thịt lợn được đề cập rất hóm hỉnh trong câu ca dao:

“Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng”.

Lan man con lợn lại tới cái chuyện bói toán. Ngày Tết, các bà, các chị thường tìm đến thầy bói để xin quẻ đầu năm xem tài vận thế nào. Nhưng xưa nay, thầy giỏi thì không thấy mà bịp bợm thì nhiều. Cho nên ca dao cũng mượn hình ảnh con lợn, miếng thịt để đả kích, phê phán cái thói lừa đảo ấy:

“Bói cho một quẻ trong nhà/Con heo bốn cẳng, con gà hai chân”

Hoặc:“Số cô chẳng giàu thì nghèo/Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”.

Ca dao là kho tàng văn học dân gian phong phú và vô cùng quý giá. Chỉ một hình ảnh con lợn nhưng người xưa đã vận dụng sáng tạo, thể hiện sinh động đời sống xã hội qua lăng kính vừa hóm hỉnh, vừa thâm thúy.

Trên thực tế, con lợn sinh ra và dành trọn cái sinh mệnh của nó để phụng sự con người. Vì cái lẽ ấy, chẳng phải nó xứng đáng được tôn vinh trong đám lục súc hay sao?n

Theo congly.vn