Giảm 26 dây chuyền và 18,96 triệu tấn

Theo Bộ Xây dựng, thực hiện Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng (XM) Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch 1488), đến nay, việc đầu tư sản xuất XM trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 đã giảm 26 dây chuyền, đồng thời giảm 18,96 triệu tấn so với Quy hoạch 1488.

 

 

Thực tế, đầu tư trong giai đoạn này đã cơ bản bám sát Quy hoạch 1488, có điều chỉnh giảm. Các dây chuyền đầu tư mới có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, sản lượng clanke sản xuất bằng các dây chuyền công nghệ lò quay phương pháp khô chiếm 72% tổng lượng clanhke.

Cụ thể mức giảm như sau, trong giai đoạn 2011 - 2015, giảm 15 dây chuyền và giảm 12,68 triệu tấn. Giai đoạn 2016 – 2020, giảm 11 dây chuyền và giảm 6,28 triệu tấn.

Theo Quy hoạch 1488, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước có 32 dây chuyền với tổng công suất 31,68 triệu tấn đi vào hoạt động, nhưng thực tế chỉ có 17 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 19 triệu tấn đi vào vận hành. Tính đến hết năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền với tổng công suất 81,56 triệu tấn.

Giai đoạn 2016 - 2020, theo Quy hoạch 1488 sẽ có 22 dây chuyền với tổng công suất 36,33 triệu tấn đi vào hoạt động, nhưng thực tế khả năng ở giai đoạn này chỉ có 11 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 25,4 triệu tấn đi vào hoạt động; giảm 11 dây chuyền, đồng thời giảm 6,28 triệu tấn so với Quy hoạch 1488. Ước tính đến năm 2020, cả nước chỉ có 87 dây chuyền với tổng công suất 107,64 triệu tấn.

Theo Bộ Xây dựng, giai đoạn 2016 - 2018, có 06 dây chuyền với tổng công suất là 15,4 triệu tấn đi vào hoạt động gồm 2 dây chuyền của XM Sông Lam và 1 dây chuyền của XM Long Sơn, dây chuyền của XM Xuân Thành, XM Thành Thắng, XM Long Sơn; riêng năm 2018, không có dây chuyền nào đi vào hoạt động.

Giai đoạn 2018 - 2020, dự kiến có 05 dây chuyền đang đầu tư với tổng công suất 10 triệu tấn đi vào hoạt động, gồm dây chuyền của XM Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) công suất 1,8 triệu tấn XM/năm; dây chuyền của XM Thành Thắng 3 (Hà Nam) công suất 2,3 triệu tấn/năm); dây chuyền của XM Minh Tâm (Bình Phước) với công suất 2,3 triệu tấn XM/năm; XM Tân Thắng (Nghệ An) với công suất 1,8 triệu tấn XM/năm và XM Hệ Dưỡng 2 (Ninh Bình) với công suất 1,8 triệu tấn/năm.

Không dư thừa XM

Theo Bộ Xây dựng, số liệu tiêu thụ từ năm 2012 đến nay cho thấy, sản lượng XM tiêu thụ hằng năm tăng từ 5 - 10%; năng suất toàn ngành trung bình đạt 86% công suất thiết kế.

Giai đoạn vừa qua sản lượng sản xuất bình quân chung từ 80 đến 90% công suất thiết kế, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, xuất khẩu XM ổn định cả về sản lượng và giá cả. Như vậy, hiện nay, sản lượng XM tiêu thụ trong nước và xuất khẩu phù hợp với Quy hoạch 1488, không có XM dư thừa.

Hiện cả nước có 82 dây chuyền sản xuất XM (sản xuất clanhke) với công suất là 97,64 triệu tấn XM/năm. Năng lực sản xuất, chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh của các nhà máy là khác nhau.

Nghịch lý tồn tại là tất yếu

Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng: Trước năm 2014 nước ta còn thiếu XM, phải nhập khẩu XM, cdiver. Từ năm 2014 trở đi, chúng ta sản xuất đủ XM phục vụ nhu cầu tiêu thụ và xây dựng hạ tầng trong nước, đáp ứng một phần xuất khẩu.

Như nhiều ngành công nghiệp khác, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành XM cũng tồn tại 2 bức tranh đối lập: Một bên là những nhà máy cũ lạc hậu sức cạnh tranh thấp và một bên là những nhà máy mới, năng lực sản xuất tốt và sức cạnh tranh cao.

Những dây chuyền công suất nhỏ, chi phí lớn, giá thành cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp nên khó tiêu thụ sản phẩm, phải sản xuất cầm chừng thậm chí dừng sản xuất, còn những nhà máy hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến, chi phí sản xuất, đặc biệt là tiêu hao nguyên nhiên liệu không cao thì sản xuất và tiêu thụ tốt.

Tồn tại đó phù hợp quy luật thị trường bởi những cơ sở sản xuất có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, chi phí thấp sẽ dần thay thế cơ sở công nghệ lạc hậu, giá thành cao.

Cả nước hiện có 29 dây chuyền công suất từ 250.000 - 600.000 tấn/năm, với tổng công suất 11,49 triệu tấn, chiếm 11,76% tổng công suất thiết kế.

Đây là những dây chuyền đã đầu tư trên 15 năm, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, dẫn đến giá thành tăng, sức cạnh tranh thấp, thậm chí một số nhà máy phải mua clanhke để nghiền XM. Và trong tương lai không xa những nhà máy lạc hậu này sẽ khó tồn tại lâu trên thị trường.

Cả nước có 13 dây chuyền công suất 910.000 tấn/năm, với tổng công suất 11,83 triệu tấn, chiếm 12,12% tổng công suất thiết kế. Mặc dù các dây chuyền này có công nghệ tiên tiến nhưng chi phí sản xuất vẫn cao do tiêu hao nhiên liệu lớn, sức cạnh tranh thấp.

Trong 82 dây chuyền thì có 30 dây chuyền công suất từ 1.000.000 -2.000.000 tấn/năm, với tổng công suất 47,49 triệu tấn, chiếm 49,29% tổng công suất thiết kế.

Đây là các dây chuyền có công nghệ tiên tiến, hiện đại; tiêu hao nguyên nhiên liệu, năng lượng thấp; chất lượng sản phẩm tốt; giá thành sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao.

Đặc biệt có 10 dây chuyền công suất từ 2.300.000 tấn/năm trở lên, với tổng công suất 26,2 triệu tấn, chiếm 26,83% tổng công suất thiết kế, là dây chuyền có công nghệ hiện đại trên thế giới hiện nay; tiêu hao nguyên, nhiên liệu thấp và đã đầu tư lắp đồng bộ hệ thống tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, tiết kiệm được 20 - 30% tổng lượng điện sử dụng.

Vũ Huyền

Theo baoxaydung.com.vn