Vậy Ngày Thần Tài và ý nghĩa của ngày Thần Tài là gì?

Từ khoảng đầu thế kỷ 20, tục thờ Thần Tài đã xuất hiện ở Việt Nam. Đến nay, điều này đã trở nên phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt.

Do vậy mà thờ cúng Thần Tài - vị thần chủ quản về tài lộc, của cải - từ lâu đã trở thành truyền thống quen thuộc với người làm ăn, kinh doanh, buôn bán.

Vào ngày này hàng năm, mọi người đều đua nhau đi sắm vàng với mục đích cầu may, cầu tài lộc cho mình trong năm mới.

Đây thực sự là một dịp hết sức quan trọng đối với những người am tường phong thủy: Ý nghĩa ngày thần tài - số vàng bạn sắm không chỉ là “của để dành” mà hơn thế, còn có khả năng “hô mưa gọi gió” giúp gia chủ làm ăn phát đạt, bạc tiền rủng rỉnh.

Truyền thuyết về ngày Thần Tài

Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau về Thần Tài và ý nghĩa ngày thần tài, trong đó, phổ biến nhất là điển tích kể rằng: Ngày xưa, ở dưới trần gian không có Thần Tài, chỉ ở trên trời mới có vị thần cai quản tiền bạc và tài lộc này.

Thế rồi, trong một lần rong chơi, vì say rượu nên Thần Tài đã rơi xuống trần gian, đập đầu vào đá và nằm ngủ mê mệt. Khi tỉnh dậy, quần áo Thần Tài của Ngài đã bị lột sạch, lại thêm bị va đầu vào đá nên quên mất mình là ai, đành đi lang thang xin ăn.

Ngày Thần Tài, hay còn gọi là ngày vía Thần Tài, rơi vào ngày 10 âm lịch hàng tháng

Có cửa hàng kia đang ế ẩm, vì thấy Thần Tài đi ngang lại mời vào ăn nên từ đó khách khứa trở nên đông đúc, phục vụ không xuể, cả khách của quán ăn đối diện cũng thi nhau kéo sang đây.

Nhưng rồi, thấy Thần Tài rách rưới mà lại ăn nhiều, ăn toàn thứ ngon, vừa tiếc của vừa sợ khách thấy Thần Tài nhếch nhác không dám tới ăn, chủ cửa hàng đã đuổi Ngài đi.

Quán đối diện từ ngày mất hết khách đâm ra ế ẩm, thấy Thần Tài lang thang ngoài đường lại mời vào ăn uống, kể từ đó lại trở nên đông khách nườm nượp, còn quán kia thì trở lại ế ẩm như cũ.

Kể từ đó, các hàng quán xung quanh thi nhau mời mọc Thần Tài về quán của mình ăn. Mọi người thấy Ngài không có quần áo tử tế thì dẫn đi mua quần áo mới, vô tình lại tới đúng nơi đang treo bán bộ quần áo trước đây của Thần Tài. Sau khi mặc đồ của mình vào, Thần Tài chợt nhớ lại mọi chuyện, cũng nhớ ra mình là ai, bèn bay về trời.

Từ đó, người ta coi Ngài là vị Thần mang lại lộc tài của cải nên lập bàn thờ thờ phụng cẩn thận. Trong những gia đình làm ăn buôn bán, việc thờ cúng Thần Tài diễn ra quanh năm, buổi sáng nào sau khi mở cửa việc đầu tiên của họ cũng là thắp hương xin Thần Tài phù hộ mua may bán đắt.

Tuy nhiên, có một số ngày nhất định trong năm, việc thờ cúng Thần Tài và mua vàng “cầu may” sẽ hiệu quả hơn bao giờ hết.

Đó là ngày Thần Tài, hay còn gọi là ngày vía Thần Tài, rơi vào ngày 10 âm lịch hàng tháng.

Ngày 10/1 âm lịch hàng năm được xem là ngày vía Thần Tài chính và quan trọng nhất năm, chính vì thế vào ngày này, tục sắm vàng đã trở thành truyền thống không thể thiếu của người Việt.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam