Ném còn không chỉ là hoạt động vui chơi ngày xuân mang tính cộng đồng, mà thông qua trò chơi này còn là dịp để trai gái tìm hiểu, giao lưu với nhau. Đây là một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có từ lâu đời của bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Ngày xuân vui hội ném còn

Lễ hội ném còn ngày xuân

Cùng với các hoạt động văn hóa khác, cứ vào ngày mồng 2 đến mồng 5 Tết hàng năm, đồng bào dân tộc Thái ở huyện miền núi Con Cuông lại tổ chức hội ném còn. Tục kể rằng, ngày xưa, trai, gái dân tộc Thái khi đi lên nương cấy cày, họ thường tung các bó mạ cho nhau, từ đó xuất hiện tục ném còn. Tiếng Thái, “quả còn” gọi là “cón cuống”, mang niềm tin, đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc.

Trò chơi ném còn vừa có tính văn hóa vừa có tính thể thao, đồng thời rèn luyện sự tinh tế, khéo léo cho người chơi. Người chơi vừa được giao lưu, tỏ tình, kết duyên, vừa gắn bó, đoàn kết cộng đồng. Nếu có dịp lên miền Tây xứ Nghệ hãy thử cùng chơi ném còn với bà con dân tộc Thái, ta sẽ cảm nhận được một trò chơi dân gian giải trí hấp dẫn, mang màu sắc tâm linh và chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, một nét đẹp văn hóa độc đáo ở vùng cao xứ Nghệ.

Để các trò chơi dân gian thực sự trở thành lễ hội trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc,Tết năm nay, ở xã Lạng Khê đã được đoàn thanh niên chuẩn bị ngay từ rất sớm như: Nữ thì làm quả còn, nam dựng cây nêu. Quả còn to bằng quả cam lớn, có hình tròn, được khâu theo múi với hoa văn nhiều màu sắc ghép nối vào nhau có ý nghĩa tượng trưng cho sự phong phú của vũ trụ. Bên trong quả còn nhồi các loại hạt như hạt thóc, hạt bông, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ... thể hiện khát vọng sinh tồn, sinh sôi, nảy nở vượt lên trên bầu trời tự do và mong ước gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau.

Quả còn thường được làm bằng cách cắt một miếng vải hình vuông mỗi cạnh khoảng 20cm, chụm 4 góc vào nhau, sau đó khâu kín 3 đường, còn 1 đường khi nhồi hạt bông xong mới khâu. Dây còn dài khoảng 50cm làm bằng vải bền chắc. Để có được những quả còn đẹp, bắt mắt, các chị, em khéo chọn vải, phối màu xanh, đỏ, tím, vàng làm tua rua đều từ quả còn đến dây còn. Việc khâu còn không chỉ đảm bảo thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh.Theo quan niệm của người Thái, quả còn bao giờ cũng phải khâu tua rua bốn góc tượng trưng cho bốn phương trời, tua rua ở cuối dây còn và dưới quả còn là chỉ thiên địa. Quả còn càng có nhiều tua rua, nhiều sắc màu càng đẹp, càng đem lại may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.Cây nêu được làm bằng cây tre có chiều cao 15m, phía trên có một vòng tròn để làm đích ném. Cây nêu phải dựng giữa bãi đất rộng nhất làng để cho đông người cùng tham gia.

Anh Lô Văn Hùng ở bản Boong, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An, cho biết: “Năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến, xuân về chúng tôi lại làm còn để chơi Tết. Đây là nét văn hoá truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái, một dân tộc luôn gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước”.

Khi đã có đủ những quả còn sặc sỡ, cả bản cùng nhau ra chơi ném còn. Người Thái thường chơi ném còn ở sân to của bản, bãi ruộng đã gặt hái xong, hoặc nơi có bãi đất rộng tập trung được nhiều người. Các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống tay cầm dây còn, quay vài vòng khởi động rồi tung lên. Quả còn bay vút những dây ngũ sắc loè xoè trông rất đẹp mắt. Chơi ném còn phải có hai đội, một đội nam và một đội nữ, lấy cây nêu làm ngăn cách, nhìn hướng vào nhau. Số lượng người chơi ở mỗi đội không hạn chế. Sau đó hai bên nam nữ vừa tung còn, vừa hát đối vui vẻ. Kỹ thuật ném còn là người chơi cầm gần cuối đoạn dây vải quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi mới tung lên, bay lọt qua vòng tròn trên cột tre thì thắng cuộc. Đội nào thắng cuộc là đội ném được nhiều lần quả còn lọt qua vòng tròn tre. Đây cũng chính là dịp để các đôi trai gái có cơ hội giao duyên, tỏ tình, gửi gắm tình cảm qua quả còn. Khi chàng trai thích cô gái nào là họ tung còn cho nhau. Sau đó trao cho nhau những vật kỷ niệm để làm niềm tin.Từ những hội chơi còn ngày Xuân, bao đôi trai gái đã nên duyên chồng vợ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ngày xuân vui hội ném còn

Ném còn là dịp để trai gái tìm hiểu, giao lưu

Chị Kha Thị Hợi, ở bản Yên Hòa, xã Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) chia sẻ: Thông qua các trò chơi như thế này là dịp để các em giao lưu, học hỏi, đồng thời, để cho thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về cội nguồn của cha ông, từ đó gìn giữ, lưu truyền và phát huy...

Xã Lạng Khê hiện có trên 70% là người dân tộc Thái.Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được nâng lên đáng kể. Nhờ vậy, bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây mới có điều kiện để phát huy truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, nhảy sạp… vào mỗi dịp Tết.

Mùa xuân, ngày hội ném còn cứ thế đi vào cuộc sống người dân tộc Thái và cộng đồng các dân tộc Việt như một niềm đam mê, khát vọng với nỗi niềm riêng chung. Nay, xuân lại đến với đất trời và lòng người dân của huyện miền núi Con Cuông, trên những sườn đồi hoa đào đang tưng bừng khoe sắc thắm. Đêm về, bản làng sáng trưng ánh điện, ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ đã về trên khắp núi rừng. Đồng bào Con Cuông - Nghệ An đang hoà chung nhịp xuân của đất nước trong từng ngày đổi mới đi lên.

Theo congly.vn