Nguyên nhân là do đang có dịch cúm gia cầm động lực cao H7 và cúm gia cầm độc lực thấp H5N2, một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Song song với việc ngừng nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ bang Wisconsin và Tennessee của Hoa Kỳ, Bộ NN&PHNN đã giao Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ các lô hàng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ các bang của Mỹ đang có dịch cúm gia cầm nhưng đã được chuyển lên tàu, lên máy bay để vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam trước ngày 10/3.

Ngay sau đó, Cục Thú y phải có thông báo chính thức cho cơ quan có thẩm quyền của Mỹ biết để phối hợp thực hiện.

 Ngừng nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ bang Wisconsin và Tennessee của Hoa Kỳ

Đồng thời, Bộ cũng giao Cục Thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận việc Mỹ kiểm soát được dịch cúm gia cầm theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới và báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Báo Hải quan đưa tin, một số quốc gia trong Châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông đã ra lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu gia cầm Mỹ sau khi Mỹ phát hiện ca nhiễm cúm gia cầm H7 độc lực cao (HPAI) tại một trại gà ở bang Tennessee, theo báo mạng Sina.

Theo đó, khoảng 73.500 con gà trong trại gà nói trên đã bị tiêu hủy để ngăn chặn virus cúm gia cầm bùng phát. Ngoài ra, chính quyền bang Tennessee cũng đang tiến hành kiểm dịch đối với những đàn gia cầm khác đã được cách ly trong khu vực.

Còn tại Việt Nam, hiện cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 43 hộ chăn nuôi thuộc 6 xã của 6 tỉnh (Bạc Liêu, Sóc Trăng, Nghệ An, Tây Ninh, Bắc Ninh, Cao Bằng) và 1 ổ dịch ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 1hộ chăn nuôi thuộc 1 xã của 1 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Số gia cầm tiêu hủy tính đến thời điểm này lên tới trên 10.000 con

Đánh giá về dịch cúm gia cầm trong thời điểm này, Cục Thú Ý cho biết nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Do vậy, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Theo Châu Anh (Tổng hợp)/Reatimes