Chính vì vậy chúng ta phải cảnh báo, tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu biết.

Chiều ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc xung quanh dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án.

Người dân đợi chờ ngày đêm để làm visa Hàn Quốc hồi tháng 4/2019 tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường xung quanh một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Liên quan đến vấn đề Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong thời gian vừa qua thiếu chặt chẽ. Trong đó có liên quan đến người dân của nhiều công dân ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị mất tích những ngày qua nghi có liên quan đến việc cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể trong container gây chấn động dư luận.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết: "Vượt biên trái phép đã xảy ra nhiều lần, nhiều năm và nhiều đối tượng, gây thiệt hại đến kinh tế, uy tín và danh dự. Bởi có những trường hợp vượt biên trái phép ra nước ngoài nhưng sau đó bị phát hiện, bị bắt và trục xuất về khiến kinh tế của gia đình bị thiệt hại".

Cũng theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, nguyên nhân của vấn đề trên do nhận thức của người dân chưa cao bởi họ cho rằng khi đi ra nước ngoài, đi xuất khẩu sẽ mang lại lợi nhuận nhưng không tính đến vấn đề nhiều yếu tố có thể xảy ra.

Vị đại biểu đoàn Quảng Bình cũng cho rằng nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ, khiến các đối tượng vượt biên, đi theo con đường không chính thống. "Do vậy chúng ta cần phải có cảnh báo, tuyên truyền, giáo dục để cả nước hiểu biết. Đồng thời, từ đó yêu cầu các cơ quan nhà nước vào cuộc quản lý chặt chẽ hơn", ông Phương nói.

Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Quảng Bình cũng nêu rõ trong dự án Luật Xuất, nhập cảnh lần này đem ra những vấn đề rất quan trọng: "Sẽ tránh tình trạng xưa nay Việt Nam mất uy tín với các nước có người lao động Việt Nam ra nước ngoài lại bỏ trốn ra làm riêng. Một điều nữa là một số cơ quan chức năng quản lý nhà nước lợi dụng quyền lực của mình tạo điều kiện xuất cảnh cho một số đối tượng không hợp pháp.

Luật điều chỉnh lần này rất quan tâm đến đối tượng chính sách, hoặc đối tượng mong muốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài thì đảm bảo đúng quy trình, đúng chế độ. Còn một số trường hợp lợi dụng vị trí để hợp lý hóa hồ sơ, làm hộ chiếu xuất cảnh trái phép phải răn đe và cảnh báo. Hoặc, dự thảo Luật lần này cảnh báo cho người dân phải có ý thức trong vấn đề thực hiện pháp luật xuất nhập cảnh đúng đối tượng, luật pháp tránh để xảy ra trường hợp mất tích như vừa rồi".

Trả lời phóng viên về vấn đề này, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên -Huế) cho biết: "Đi xuất khẩu lao động nước ngoài là nhu cầu của người Việt. Rất nhiều người đi lao động góp phần đưa kiều hối, chủ yếu là đảm bảo kinh tế cho gia đình, đem lại thu nhập, cải thiện đời sống. Có những tỉnh, những địa phương từ vùng quê nghèo, có người đi lao động về đã xây được nhà, tạo tiềm lực để gia đình phát triển, góp phần nâng cao tay nghề, có nguồn vốn ban đầu để phát triển, xây dựng kinh tế ở địa phương".

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cũng cho biết, đã có những việc đáng tiếc xảy ra đối với người lao động khi đi xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, người dân cần tìm hiểu và tuân theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh,  từ đó tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Theo Gia đình & Xã hội