Quy trình thi tuyển trong một số cơ quan ban ngành với cơ chế “lý lịch được thích hơn tài năng” lâu nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Bởi vậy, những thông tin được đăng tải chính thức mới đây trên trang tin chính thức của Agribank càng khiến dư luận quan tâm.

Trao đổi với báo Gia đình Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận – Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, ông không hiểu ngân hàng này đã dựa vào đâu để đưa ra tiêu chí tuyển dụng này. “Chọn con người là lựa chọn năng lực thực tế chứ không phải là một cuộc thi về lý lịch. Thời đại lấy lý lịch làm tiêu chuẩn đã qua rồi.

Theo tôi, với một cơ quan tầm cỡ như Agribank, việc lựa chọn nhân sự phải cần đến một chiến lược tốt, cần được xây dựng quy mô, bài bản”. Việc “truyền ngôi” từ ông đến cha rồi đến con là rất nguy hiểm".

Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Viện dẫn một thành ngữ mà dân gian từng đúc kết, ông Thuận phân tích: "Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ. Mối quan hệ hậu duệ được đặt lên hàng đầu cho thấy các cụ đã có những chiêm nghiệm chính xác như thế nào. So sánh với những tương quan trong xã hội Việt Nam hiện đại thì điều này càng đúng.

Bởi vì dù có quan hệ rộng rãi hay có nhiều tiền bạc đến đâu mà không phải là “con cháu các cụ” thì những cán bộ trẻ chưa đầy 30, 35 tuổi, rất thiếu vốn kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý cũng không thể được bổ nhiệm những vị trí quan trọng đến vậy".

"Người Nhật có một câu nói nổi tiếng: “Quan hệ tốt coi như đã hoàn thành tới 70% công việc”. Vì thế, quan hệ được xếp ở vị trí thứ hai. Nhưng khái niệm quan hệ mà người Nhật nói chủ yếu là quan hệ giao tiếp, ứng xử; nhưng ở Việt Nam chủ yếu lại là quan hệ bà con, họ hàng hay bạn bè thân thiết, thậm chí là quan hệ theo nhóm lợi ích.

Còn trong câu nói đúc kết của người Việt, trí tuệ được xếp ở cuối cùng. Nghĩa là phải xét hết ba tiêu chí kia thì tiêu chí thứ 4 – Trí tuệ mới có cửa. Thế thì nhân tài chỉ có rơi rụng hết", nguyên Phó chủ nhiệm VP Quốc hội đánh giá.

"Lựa chọn nhân tài mà chỉ nhắm vào lý lịch thì chỉ có làm thui chột nhân tài. Cũng giống như việc trùng hôn. Xưa nay, chúng ta đều biết, anh em trong dòng họ lấy nhau thì chẳng khác nào làm thoái hóa nòi giống.

Chúng ta đang cấm vấn đề này thì hà cớ gì lại cổ súy cách lựa chọn nhân sự theo kiểu "con em cháu cha". Như thế là làm thoái hóa trí tuệ, suy hại con người, tai họa đất nước".

Ở góc độ của một chuyên gia xã hội học, ông Trân Quốc Thuận cho rằng, nếu một người vừa trẻ vừa có tài thực sự sẽ được dư luận tôn vinh một cách tự nhiên.

Việc tuyển dụng họ vào các vị trí quan trọng cũng là điều nên làm. Nhưng năng lực ấy cần phải được thực tế chứng minh, nghĩa là đã trải qua nhiều năm tháng rèn luyện, cọ xát với thực tiễn cuộc sống và năng lực lãnh đạo được chứng minh, thể hiện nổi bật giữa tập thể.

Ở Việt Nam hiện nay, đang có một thực tế là nhiều cán bộ trẻ vừa mới học ở nước ngoài về, chưa qua thưc tiễn lao động, rèn luyện đã được bổ nhiệm vào vị trí này, vị trí kia.

Có những kỳ đại hội mà đại biểu ở chính địa phương đó không đủ phiếu bầu tín nhiệm từ phía nhân dân. Cấp ủy không trúng nhưng lại được tiến cử vào cấp trung ương. Tất cả những điều này đều là không bình thường.

Nội dung thông báo tuyển dụng đăng công khai trên trang web của Agribank.

Nội dung thông báo tuyển dụng đăng công khai trên trang web của Agribank.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc Agribank ông Tiết Văn Thành cho biết đợt tuyển dụng này cần chính sách ưu tiên nhằm bổ sung cho số lao động giảm tự nhiên ở các chi nhánh của ngân hàng thời gian qua. Ông Thành cho biết, 3 năm nay do thực hiện đề án tái cơ cấu nên Agribank cũng không tuyển dụng thêm nhân sự. Tuy nhiên, gần đây số lượng nhân viên nghỉ việc nhiều quá nên ngân hàng cần tuyển để bù đắp.

"Trước đây, Agribank có chính sách tuyển thẳng với con em của cán bộ thâm niên hơn 20 năm trở lên. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước hiện không cho Agribank tiếp tục thực hiện chính sách cho con em vào thay thế như trước nên lần này Hội đồng quyết định sẽ cộng điểm để hỗ trợ phần nào cho các ứng viên. Dù là con em thì họ vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện theo đúng quy định mới được nhận", ông Thành lý giải.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của chuyên gia và luật sư cho rằng, Agribank ưu tiên tuyển “con ông cháu cha" là vi phạm Hiến pháp.

Trả lời báo Infonet, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: “Dưới góc độ pháp lý thì quy định ưu tiên con em trong ngành trong tuyển dụng vào Ngân hàng Agribank nói riêng và các cơ quan, tổ chức kinh tế của Nhà nước khác nói chung là quy định trái luật, vi Hiến và vi phạm các quy định của pháp luật về lao động”.

"Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, không có bất cứ quy định nào quy định ưu tiên con em cán bộ, con em lãnh đạo, con em trong ngành trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức hay tuyển dụng vào các tổ chức kinh tế của nhà nước.

Những đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng chỉ có thể là những người thuộc đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liêt sĩ, thương binh.

Ngoài ra có thể ưu tiên những người có bằng cấp, học vấn cao, có kinh nghiệm. Còn ưu tiên con em cán bộ trong tuyển dụng là quy định vi hiến, vi phạm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật. Quy định này không khỏi gây bức xúc trong dư luận", luật sư này cho biết.

Nhiều độc giả còn quan ngại cho rằng, thông tin tuyển dụng của Agribank đăng tải đúng vào dịp nhạy cảm khi Tòa án Nhân dân TPHCM đang xét xử vụ án tham nhũng gần 1000 tỉ đồng với các bị cáo là các lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng này./.

Theo Kỳ Trinh / Gia đình Việt Nam