Được biết, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm hiện có 123 tòa nhà chung cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó, có 8 tòa chung cư tái định cư do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách. Tổng số căn hộ chung cư là 17.774 căn, tổng diện tích sàn là 1.635.657m2, trong đó, có 296 căn hộ chung cư tái định cư với diện tích 22.200m2.

Theo ông Lê Thanh Bình, Phó phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm: Công tác quản lý Nhà nước đối với các khu nhà chung cư hiện nay nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do các tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các bên liên quan như giữa Chủ đầu tư với Ban quản trị, với cư dân; giữa nội bộ Ban quản trị; giữa Ban quản trị với cư dân; thậm chí do khúc mắc giữa Ban quản trị với Chủ đầu tư và trong nội bộ cư dân cũng mâu thuẫn chia làm nhiều nhóm khác nhau. Điều này gây nên những bức xúc, lo lắng bất an ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và cuộc sống thường ngày của người dân.

Các cơ quan quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn khi phải giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp này. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư không bàn giao hoặc mới bàn giao một phần quỹ bảo trì 2% cho Ban Quản trị và đơn vị quản lý vận hành theo quy định gây khó khăn trong công tác duy tu, bảo trì nhà chung cư, gây bức xúc cho Ban quản trị và cư dân.

Trước tình hình đó, quận Nam Từ Liêm đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị; lập, bàn giao hồ sơ nhà chung cư theo Quy chế tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD; chấp hành các quy định khác.

Cư dân tập trung trước trước sảnh chung cư Golden West

Cư dân tập trung trước sảnh chung cư Golden West "tố" hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà chung cư vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc.

Trong đó, nổi lên là những tranh chấp về sở hữu chung riêng, hoạt động của ban quản trị, kinh phí bảo trì, phí quản lý… Do thiếu chế tài đối với tổ chức hay cá nhân vi phạm cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế khiến cho việc quản lý nhà nước đối với nhà chung cư gặp nhiều khó khăn.

Vai trò của Ban Quản trị nhà chung cư còn mờ nhạt do thiếu các hướng dẫn cụ thể về hoạt động, tính pháp lý của tổ chức này, nguyên nhân do đa số các Ban Quản trị không có chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, vận hành nên chưa sâu sát trong việc chỉ đạo đơn vị thực hiện quản lý vận hành.

Bên cạnh đó, Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong công tác bàn giao diện tích sở hữu chung riêng, thường không quan tâm đến công tác quản lý vận hành và giải quyết an sinh xã hội cho cư dân, chủ yếu giao khoán cho đơn vị quản lý tòa nhà thực hiện. Việc giao lại kinh phí bảo trì nhà chung cư cho Ban Quản trị tòa nhà quản lý và sử dụng đã không gắn kết trách nhiệm bảo hành, bảo trì công trình của Chủ đầu tư trong quá trình quản lý sau đầu tư dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bất ổn dân sinh trong khu vực.

Ngoài ra, còn một số khó khăn vướng mắc điển hình như: tranh chấp về vấn đề bảo hành, bảo trì chung cư, tranh chấp về phần diện tích sử dụng chung, sử dụng riêng, diện tích kinh doanh dịch vụ,… chưa được giải quyết dứt điểm gây khó khăn trong công tác quản lý.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh: “Những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà chung cư mà quận Nam Từ Liêm nêu ra cần phải được khắc phục ngay. Trước hết, phải khẩn trương, quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị, bởi với số lượng 49 ban quản trị được thành lập trên tổng số 123 tòa nhà chung cư như hiện nay là quá thấp.

Đối với các tòa nhà đã có ban quản trị thì vẫn còn hiện tượng chưa bàn giao quỹ bảo trì 2% theo quy định, vì vậy, quận và các phường, đơn vị liên quan phải tăng cường quản lý, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện bàn giao. Ngoài ra, cần phân định rõ ràng diện tích sử dụng chung, riêng của các tòa nhà chung cư để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Ông Nguyễn Nguyên Quân cũng đề nghị Quận tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, theo dõi đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời, tham mưu rà soát lại toàn bộ các tòa nhà chung cư, xác định rõ khó khăn vướng mắc đối với từng tòa nhà và có kiến nghị đề xuất cụ thể để tháo gỡ.

Trước đó, ngày 21/3, Ban Đô thị đã làm việc với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc, đoàn giám sát nhận định, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý nhà chung cư tại TP.

Trước hết là tình trạng nhiều căn hộ đã được hoàn thiện, rải rác ở nhiều tòa nhà nhưng vẫn bị để trống nhiều năm nay, sử dụng chưa hiệu quả; nhiều căn hộ đã có văn bản bố trí của UBND TP nhưng chủ hộ chưa đến nộp tiền theo quy định, trong điều kiện quỹ nhà tái định cư của TP rất thiếu, dù trước đây Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đã kiến nghị nhưng đến nay việc xử lý vẫn chưa dứt điểm.

Bên cạnh đó nhiều tòa nhà dù đã phân định rõ diện tích chung - riêng, song vì nhiều lý do khách quan, chủ quan thì đến nay vẫn chưa bàn giao được diện tích sử dụng chung, nhiều tòa nhà chưa bố trí được diện tích sinh hoạt cộng đồng.

Hơn nữa, nhiều trường hợp chủ hộ đã được bố trí nhà, nộp tiền nhưng chưa đến làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận (GCN), một số hộ đã làm thủ tục nhưng chưa được cấp GCN. Đoàn giám sát nhận định, tồn tại này do các chủ hộ nhưng cũng do trách nhiệm thông tin, đôn đốc, kiểm tra của công ty, trách nhiệm kiểm tra, rà soát, chỉ đạo của Sở TN&MT, Sở Xây dựng và cả chính quyền các quận, huyện.

Thay mặt đoàn giám sát, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đề nghị Công ty rà soát lại để đánh giá kỹ hơn về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan chủ quan trong công tác này; đồng thời bổ sung hệ thống bảng biểu, số liệu cụ thể, như với 124 căn hộ đã nộp tiền nhưng chưa đến nhận GCN thì phải rõ trường hợp, tòa nhà nào... Trong thời gian chờ đợi thêm cơ chế chính sách, đơn vị cần thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình, nhất là duy trì chất lượng công tác quản lý sử dụng các chung cư tái định cư được giao; đảm bảo không để nảy sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người.

 

Theo Reatimes.vn