Cụ thể, theo những người dân địa phương nơi đây, tình trạng nhà máy của Sunhouse xả thải, khói đen ra môi trường đã diễn ra trong một thời gian khá dài khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, người dân không thể sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất, đời sống các hộ dân gặp nhiều khó khăn, bất tiện khi phải mua nước từ nơi khác về để đảm bảo vệ sinh.

Ông Đỗ Danh Giáp, người dân xã Ngọc Liệp, Quốc Oai cho biết: “Cứ mỗi lần nước mưa về là nhà máy của Sunhouse lại xả trộm nước thải, trắng như nước vo gạo, cá chết hết. Nước chảy đến đâu cỏ chết đến đó, không có con cá nào sống được. Tôi mong muốn cấp trên giải quyết, không là ô nhiễm hết nguồn nước”.

Nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng

Nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng

"Trước đây khu đất trang trại, xóm Tượng, Ngọc Liệp có hai bờ mương nhưng bị nhà máy của Sunhouse lấn mất một bên, dù đã đưa đơn lên huyện và xã nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó, Tập đoàn Sunhouse còn lắp một cây ATM ngay giữa đường mương khiến con đường vốn đi được hai chiều giờ đây chỉ còn lại một lối đi nhỏ"- ông Giáp cho biết thêm.

"Những làn khói đen kịt, mùi khét vẫn diễn ra hàng ngày hàng, hàng giờ và người trực tiếp chịu những ảnh hưởng là toàn bộ các hộ dân sống xung quanh nhà máy của tập đoàn Sunhouse" - một người dân khác chia sẻ.

Khí thải, khói đen từ nhà máy của Sunhouse

Khí thải, khói đen từ nhà máy của Sunhouse

Đây không phải lần đầu tiên người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm do nhà máy Sunhouse gây ra. Theo nguồn tin PV nhận được, Tập đoàn Sunhouse đã từng bị UBND TP. Hà Nội phạt hành chính 300 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều Đoàn liên ngành đã thanh kiểm tra, lập biên bản nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục tái diễn và chưa có động thái sẽ cải thiện. 

Cụ thể, lần kiểm tra đầu tiên vào ngày 24/5/2017 giữa Phòng Cảnh sát Môi trường PC49 phối hợp với Công an huyện Quốc Oai và Phòng TN&MT huyện lập biên bản xác định rõ sai phạm của Sunhouse. Khi đó, UBND huyện Quốc Oai gửi văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Sở TN&MT Hà Nội đề nghị xử lý vi phạm hành chính theo quy định thì UBND thành phố phải có ngay các biện pháp mạnh tay xử lý, ngăn chặn Sunhouse tiếp tục xả thải.

Người dân phản ánh, một bên bờ mương bị nhà máy của tập đoàn Sunhouse lấn chiếm khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Kinh tế môi trường)

Người dân phản ánh, một bên bờ mương bị nhà máy của tập đoàn Sunhouse lấn chiếm khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Kinh tế môi trường)

Không dừng lại ở đó, được biết, đầu tháng 9/2017, Môi trường và Đô thị Việt Nam có đưa tin về việc từ khi nâng công suất nhà máy tới nay, công ty chưa có bản báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi vậy trong thời gian đó, khí thải, chất thải với số lượng lớn gần gấp rưỡi số lượng ban đầu sẽ được xử lý ra sao?

Đến ngày 10/8, Đoàn liên ngành gồm Sở TN&MT và các cơ quan chức năng liên quan cũng đã kiểm tra nhà máy Sunhouse tại cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Quốc Oai. Biên bản kiểm tra nêu rõ: “Quyết định số 4510/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2016 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với dự án “Nâng công suất nhà mát Sunhouse – Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse với công suất 700 tấn sản phẩm/năm”, tuy nhiên Công ty chưa xuất trình được bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Nâng công suất nhà mát Sunhouse – Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse với công suất 700 tấn sản phẩm/năm””.

Tại thời điểm kiểm tra, công ty cũng chưa có chứng từ chủ thải nguy hại (CTNH) theo quy định; về khí thải, công ty chưa xây dựng công trình xử lý đối với khí thải từ lò hơi đốt than và khí thải từ 2 lò nấu nhôm.

Việc Sunhouse tiếp tục xả thải, khí đen gây ô nhiễm môi trường sau hàng loạt đợt kiểm tra, xử phạt đã khiến những người dân địa phương vô cùng phẫn nộ và đề nghị các cơ quan báo chí cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xác minh, làm rõ, đề nghị Sunhouse phải có trách nhiệm chính trong vấn đề này để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Trước đó, Sunhouse cũng đang vướng phải "lùm xùm" liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Cụ thể, việc sản phẩm nồi cơm điện của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse do siêu thị Co.op Mart cung cấp dán tem hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại có xuất xứ Trung Quốc, khiến dư luận xôn xao về nguồn gốc thật sự của sản phẩm này nói riêng và các sản phẩm khác của Sunhouse nói chung.

Tuy đại diện lãnh đạo Sunhouse đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định, những hình ảnh, thông tin đang lan truyền trên mạng là không chính xác, các sản phẩm của Sunhouse đều được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng Sunhouse cũng như có đầy đủ các giấy tờ kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng nhưng việc sơ suất trong quy trình dán tem nhãn mác của siêu thị - đối tác của Sunhouse cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu này.

Theo Trúc An(tổng hợp)/Đô thị mới