PV: Nhiều người quan niệm rằng, sống trong các toà cao ốc dường như không thấy Tết. Là người từng đón rất nhiều cái Tết ở phố cổ, giờ chuyển sang đón Tết ở chung cư, nhà văn Hoàng Anh Tú cảm nhận thế nào về sự khác biệt này?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tết này là cái Tết thứ 5 của tôi ở chung cư. Trước đó, tôi có 20 năm đón Tết ở phố cổ nên tôi thấy Tết chung cư khác nhiều với Tết phố cổ. Vì thành phần cư dân sống ở chung cư chiếm đến một nửa hoặc thậm chí đông hơn đều có một quê hương để về dịp Tết nên Tết chung cư luôn vắng vẻ hơn nhiều so với ngày thường. Có năm, sáng mùng 1 đi trong khu đô thị thấy đúng không khí mùng 1 trên phố cổ ngày xưa. Tết ở chung cư với những người ở lại cũng rất tình với việc các cư dân tìm đến nhau dựng cây nêu, nấu bánh chưng vui lắm. Điều mà Tết trên phố cổ bây giờ không còn nữa. Vì không gian chung cư rộng rãi hơn và vì nhiều cư dân thì thích hội hè cùng nhau, cho lũ trẻ con được trải nghiệm Tết. Là còn chưa kể những hội chợ đặc sản các vùng miền mà chính các cư dân mang tới. Thực sự là ấm cúng và đặc sắc.

PV: Tết ở đô thị hiện nay khác so với câu chuyện đón Tết của ngày xưa như thế nào, thưa ông?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Khác nhiều lắm dù về hình thức mọi người vẫn cố phục dựng giống Tết xưa nhưng Tết nay ở đô thị giống không khí ngày hội hơn, mất đi nhiều tính lễ. Có lẽ nó cũng là điều tất yếu thay đổi theo thời gian, không chỉ riêng với đô thị mà cả ở các miền quê: Tết là ngày hội. Nhiều phong tục, nghi lễ đã được gỡ bỏ, rút gọn. Chẳng hạn như tục hoá vàng, tôi thấy ở chung cư người ta bỏ dần. Việc cúng giao thừa, thay vì gia chủ thắp hương đúng thời khắc chuyển giao của năm mới sang năm cũ thì mọi người có thể cúng sớm để ra phố du xuân, ngắm pháo hoa… Điều đó cũng tốt nhưng vì thế mà Tết giảm bớt đi sự thiêng liêng của ý nghĩa kết nối hiện tại với quá khứ, đường dây liên kết giữa âm - dương.

PV: Phải chăng, Tết ở các khu đô thị, con người trở nên “nhàn” hơn khi các dịch vụ đủ đầy nhưng cũng cô đơn hơn khi sự tương tác giữa con người với con người ít đi?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Đúng là nhàn hơn rất nhiều vì Tết ở các khu đô thị mọi thứ đều sẵn có, mùng 1 Tết mọi siêu thị vẫn mở, có đủ mọi loại “combo” đồ cúng Tết. Như tôi chứng kiến thì việc hàng xóm cùng tầng, cùng toà vẫn chúc mừng năm mới nhau đấy nhưng đúng là chỉ mang tính xã giao. Việc sang nhà nhau chúc Tết cũng hạn chế vì cư dân đô thị coi trọng sự riêng tư hơn.

Một chung cư tại quận Hà Đông đã tổ chức hội chợ Tết với sự hưởng ứng của hàng nghìn cư dân.

Một chung cư tại quận Hà Đông đã tổ chức hội chợ Tết với sự hưởng ứng của hàng nghìn cư dân.

PV: Đã có ý kiến từng cho rằng, ở chung cư cao tầng, có nghĩa là sẽ không còn cơ hội để cùng gói bánh chưng và ngồi bên bếp lửa bập bùng chờ bánh chín, khái niệm Tết dường đã bớt đi sự “mặn mà”. Quan điểm của ông thì sao?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Vẫn có đấy chứ! Mỗi toà chung cư đều có khoảng sân trước sảnh. Cư dân chúng tôi vẫn dựng cây nêu, vẫn bập bùng bếp lửa nấu bánh chưng. Nhưng như tôi nói, mọi thứ không còn tính lễ mà chỉ là ngày hội cư dân với nhau. Tết Nguyên Đán đôi khi giống Tết Dương Lịch vậy. Bản thân tôi thì không nặng nề lắm nhưng tôi biết người già sẽ buồn và bọn trẻ con thì ngày càng xa rời lịch sử.

PV: Giữa rất nhiều những tranh luận về việc nên giữ hay bỏ Tết cổ truyền, làm thế nào để Tết bớt "nhạt"... với nhà văn, ý nghĩa sâu sa của Tết cổ truyền là gì?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi vẫn cho rằng Tết không chỉ là một ngày hội. Tết mang ý nghĩa lớn hơn nhiều. Là những ngày để chúng ta đoàn viên bên nhau, nhìn lại quá khứ, dệt mộng ước tương lai, trò chuyện với người dương, gửi gắm nhớ thương đến những tiền nhân đã khuất. Tết của chung cư nhiều khi thật khó để gắn kết như làng xã vì họ vốn đều là những người xa lạ đến với nhau. Tết lại chẳng phải là bữa “party” nên người xa lạ dù cố thế nào cũng vẫn lạ xa là vậy.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo reatimes.vn/reablog