Nhầm lẫn tai hại giữa thuốc và thực phẩm chức năng

Thảo dược được quảng cáo thần thánh như thuốc chữa bệnh

Thảo dược được dùng làm các bài thuốc Đông y đã được ông bà ta sử dụng từ ngàn đời để chữa bệnh vì nó có đặc điểm dễ sử dụng, ít tác dụng phụ và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Hiện nay, Đông y thảo dược tuy không được áp dụng trực tiếp như ngày trước mà người ta sẽ tìm những hoạt chất trong cây cỏ sau đó, đưa những hoạt chất này vào thành một bài thuốc có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh. Đó là nguyên lý để làm ra các sản phẩm thảo dược, tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn, không cần nấu sắc hay sao vàng hạ thổ như ngày xưa.

Cục ATTP yêu cầu tất cả các cơ sở vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam).

Tuy nhiên, chính những điều tiện lợi đó lại là cơ hội để các sản phẩm đội lốt thảo dược lũng loạn thị trường.  Thậm chí, nhiều người còn quảng cáo “chắc như đinh đóng cột” và thổi phồng tác dụng thật rằng dùng những sản phẩm này sẽ khỏi bệnh tức thì mà không cần kiêng khem, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Người dùng có lẽ phải xem lại khi gần đây có rất nhiều vụ thu hồi thực phẩm chức năng giảm cân trên thị trường do sản phẩm không chất lượng, không rõ nguồn gốc hay quảng cáo sai sự thật. Nếu trong năm 2016, số tiền xử phạt các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm là 5,7 tỷ đồng, thì đến 9 tháng của năm 2019, cả nước đã xử phạt với số tiền hơn 46 tỷ đồng.

Nhiều cơ sở bị phạt rồi nhưng vẫn ngang nhiên bán hàng như: Kem trắng da Mai Thảo Mộc, kem trị mụn Bảo Lâm, Nga Hoàng, trà slim Cường Anh, giảm cân Go Lean, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe chứa chất Sibutramine...

Chẳng hiếm khi bắt gặp một mẩu quảng cáo thực phẩm chức năng như “thần dược”; “bài thuốc gia truyền; đông y gia truyền” hay “hoàn toàn từ thảo dược”; rồi “không cần kiêng khem, qua một tuần trắng như Ngọc Trinh” “Giảm eo 3-5cm chỉ trong 1 tuần”…

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nhưng người tiêu dùng cần cảnh giác, không nên dùng loại trôi nổi trên thị trường, không qua Bộ Y tế kiểm duyệt.

TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh - Nguyên Trưởng khoa Nội Bệnh viện Y Học Cổ Truyền Trung ương cho rằng, để xác định một sản phẩm tốt không nên dựa vào những lời quảng cáo như "rót mật vào tai" của nhà sản xuất.

"Để đánh giá tốt hay không có rất nhiều yếu tố. Đó là chế phẩm của nhà sản xuất phải đủ quy trình GMP, GLP, GSP,...rất nhiều công đoạn ảnh hưởng, nguyên liệu có đảm bảo tốt không, hàm lượng như thế nào,… Có qua kiểm định của Bộ Y tế về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm . Rồi còn phải kiểm nghiệm lâm sàng qua bệnh nhân để xem có tác dụng phụ hay không", TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh nói.

Ngoài ra, để xác định sản phẩm như thế nào lại còn phải xem có hợp với cơ địa của từng người hay không. Dù sản phẩm từ thiên nhiên thì nó cũng có những thành phần không hợp cơ địa chứ chưa nói đến những sản phẩm không chất lượng. 

Nguyên Trưởng khoa Nội Bệnh viện Y Học Cổ Truyền Trung ương cho rằng: "Đông y hay thảo dược thì cũng có trường hợp có thể bệnh nhân này dùng rất tốt nhưng bệnh nhân khác thì không. Đông y có tính chất phù hợp với ai thì người đó sẽ tốt nhiều hơn cho nên những người điều chế thuốc Đông y như chúng tôi không bao giờ dám nói bài thuốc đó của tôi chữa được khỏi bệnh cho tất cả mọi người". 

Một trong những hậu quả vì dùng sản phẩm kem thảo dược trôi nổi trên mạng

Tuy nhiên, không hiếm người tin vào những lời quảng cáo đường mật và nhanh chóng bị sập bẫy dù không chắc sản phẩm đó có thực sự mang lại hiệu quả hay không. Các loại sản phẩm này lại có thể dễ dàng mua trên mạng, mua ở tiệm thuốc hay mua tại các trang bán hàng online, nhiều nhất là các sản phẩm kem trắng da, kem tan mỡ, kem trị mụn, trà giảm cân, thải độc, trị viêm khớp, mỡ máu… Trên các hội nhóm Facebook, nhiều topic về thực phẩm chức năng được lập ra để bàn luận và tham khảo. Một số người cho rằng nó thực sự hiệu quả, nhưng đa phần phản ánh sản phẩm không đúng như mong đợi.

Sở dĩ, nhiều người dùng sẵn sàng chi hầu bao cho những sản phẩm thảo dược hay thực phẩm chức năng dù không chắc chắn về chất lượng vì họ đang nhầm lẫn nó có tác dụng chữa dứt bệnh thần thánh như lời quảng cáo. Sự nhầm lẫn tai hại cũng bắt nguồn từ những chiêu truyền thông quảng cáo không mấy minh bạch của nhà sản xuất.

Bác sĩ phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng

Rõ ràng, với việc quảng cáo như trên thì sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng chữa bệnh chứ không phải là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, không nhiều người tiêu dùng phân biệt được rạch ròi hai khái niệm này.

Thuốc được định nghĩa với vai trò chữa bệnh, có thể tham gia vào hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Thuốc cũng có thể làm thay đổi cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý, điều chỉnh các chức năng để sửa chữa những tổn thương trong cơ thể. Còn thực phẩm chức năng là loại thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, khiến cơ thể thoải mái hơn, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật.

Thuốc là để chữa bệnh, còn thực phẩm chức năng nếu được cấp phép thì nó cũng chỉ là thực phẩm bổ sung.

Theo Bác sĩ Lê Hữu Tuấn – Bệnh viện Y học Cổ truyền thì hiện nay vì quy trình quản lý lỏng lẻo, từ việc bán cho đến việc cấp phép cho nên sự nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng tạo điều kiện cho các nhãn hàng có thể qua mặt người tiêu dùng.

“Ở nước ngoài rất rõ ràng, thuốc bán ở hàng thuốc, còn thực phẩm chức năng được bán ở hàng đồ ăn. Nhưng ở Việt Nam thì lại khác. Thuốc có 2 loại là OTC bắt buộc có đơn mới bán và loại không có OTC là người mua có thể tự mua thoải mái. Còn thực phẩm chức năng không cần bác sĩ kê đơn, có thể mua bất kỳ ở đâu”.

Theo bác sĩ Tuấn thì thực phẩm chức năng cũng dễ xin giấy phép hơn: “Một số loại thực phẩm chức năng được gọi là thuốc vì người ta xin được cấp phép đề tên là thuốc. Tuy nhiên, để được cấp phép đề tên thuốc rất khó, còn thực phẩm chức năng thì dễ dàng xin giấy phép hơn. Thuốc là sản phẩm thực sự có thể chữa bệnh, còn thực phẩm chức năng nếu xin được cấp phép thì nó cũng chỉ là một loại thực phẩm bổ sung. Khi kê đơn bác sĩ phải kê đơn riêng, một đơn là đơn chữa bệnh và đơn thực phẩm bổ sung để hỗ trợ sức khỏe".

TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh cũng nêu quan điểm các loại sản phẩm thảo dược và thực phẩm chức năng hiện nay có quy trình sản xuất khá lỏng lẻo: “Thực tế thì trước đây những bài thuốc Đông y chúng tôi thử nghiệm trong bệnh viện là các bài thuốc chữa bệnh vì nó phải có liều lượng, phải có kiểm định rất ngặt nghèo nhưng giờ Đông y được cho vào thực phẩm chức năng dễ dàng hơn”.

Người dùng cần tỉnh táo hơn để chọn sản phẩm phù hợp với sức khỏe của mình

Chính vì vậy hiện nay, các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo là chiết xuất hoàn toàn từ thảo dược tự nhiên ngang nhiên lưu hành trên thị trường.

Nhưng cũng không nên vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà tẩy chay các loại sản phẩm thảo dược hay thực phẩm chức năng có nguồn gốc và chất lượng.

“Nói như vậy thì không có nghĩa chúng ta bài trừ hoàn toàn các sản phẩm thảo dược hay thực phẩm chức năng mà nó được sản xuất đúng, chất lượng đúng theo tiêu chuẩn thì rất tốt cho người bệnh trong rất nhiều khía cạnh. Chỉ có người ta làm có đúng không, có tốt không, nguyên liệu có đảm bảo không. 

“Sản xuất ra các sản phẩm thảo dược thì việc nghiên cứu cũng đơn giản hơn, do đó người tiêu dùng khi sử dụng phải rất thận trọng. Hãy xem kỹ thương hiệu của sản phẩm, sản xuất có đúng theo quy trình thì hẵng sử dụng. Bây giờ quảng cáo rất nhiều nên mình phải có lựa chọn sao cho đúng thì mới khỏi được bệnh", TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ.

Thanh Vân/Đô Thị Mới
Mộc Anh