Những bình luận về nhà hát Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng khiến tôi nhớ đến lần đầu tiên đi xem vở ballet “Hồ thiên nga”. Với đa số người Việt thì nhạc giao hưởng, ballet và nghệ thuật hàn lâm là những điều xa lạ. Tôi không phải ngoại lệ. Lần đầu tiên đi xem chỉ vì tò mò.

Nhà hát dự kiến xây dựng tại khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Zing.vn

Nhà hát dự kiến xây dựng tại khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Zing.vn

Chiều muộn, tường thuật xong cuộc họp báo mệt nhoài, tôi chạy xe về đón vợ rồi vội vàng phi đến Trung tâm hội nghị quốc gia. Hôm ấy trời có mưa nhỏ. Đứng trên đôi giày ướt lép nhép, tôi nhìn quanh thấy mọi người đều mặc vest hoặc đồ lịch sự, còn mình thì sơ mi nhăn nhúm và quần bò. Không biết có phải vì Ban tổ chức đề phòng thói quen giờ cao su của người Việt hay không, buổi diễn bắt đầu chậm hơn 30 phút so với giờ ghi trên giấy mời. Cũng may, nhờ vậy mà tôi không bị trễ.

Đi giấy mời nên tôi được ngồi hàng ghế trên. Tò mò nhìn quanh thấy nhiều quan chức và doanh nhân nổi tiếng. Có vị đi cùng phu nhân khá trẻ. Vị khác là tướng công an, mấy lần tiếp xúc thấy khá “cứng”, nghĩ đâu tính cách khô khan nhưng ông lại xem ballet với vẻ rất say mê.

Dù không có nhiều kiến thức về ballet, nhưng thật lòng lần đầu tiên đó với tôi là một bữa tiệc vũ điệu và âm nhạc. Mấy giờ đồng hồ trôi qua khá nhanh và bị cuốn hút vào sân khấu nên tôi dường như quên bẵng đi sự khó chịu vì chân phải xỏ trong đôi giày ướt.

Hôm ấy tôi đã nghĩ, về sau nếu có dịp thì sẽ tiếp tục đi coi ballet, thậm chí lúc nào đó phải “liều” đi nghe giao hưởng một lần xem sao.

Cái đẹp cứu rỗi nhân loại. Đời sống của mỗi đô thị cũng như từng con người đều cần có chỗ cho văn hoá sinh sôi nảy nở. Thiếu vắng nó dù ở trình độ phát triển nào, con người sẽ chỉ còn là những “zombie”. Một xã hội biết gieo những hạt mầm văn hoá, tán cây cao lớn của nó ngày sau sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn con người và chắc chắn sẽ đưa phong hoá xã hội đó đi lên. Một dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới có thể khiến quốc gia tự hào. Một hãng phim thành công ở tầm quốc tế cũng chả kém gì khoản đầu tư vào VinFast.

Năm 1993, khi Công viên kỷ Jura của Steven Spielberg trở thành bom tấn ở các phòng chiếu trên thế giới, sự kiện này đã được bàn trong Chính phủ Hàn Quốc. “Chỉ trong một năm, lợi nhuận từ Jurassic Park đã lên tới 850 triệu USD, tương đương với lợi nhuận thu được khi xuất khẩu 1,5 triệu chiếc ô tô”. Bộ trưởng Khoa học Kỹ thuật Hàn Quốc lúc đó là Lee Sang Hee đã báo cáo như vậy với Tổng thống khi phân tích tiềm năng của ngành công nghiệp văn hoá này. Người Hàn Quốc đã nhìn thấy điều đó và lập tức hàng loạt doanh nghiệp lớn tiến quân sang lĩnh vực điện ảnh, đầu tư nhiều trăm triệu USD để bắt tay với Hollywood. Không phải tự nhiên mà phim ảnh, âm nhạc, thời trang Hàn Quốc tràn ngập Châu Á nếu họ không bắt đầu từ văn hoá.

Tôi nghĩ rằng một phòng trà, một rạp chiếu bóng, một nhà hát hay hiệu sách… đều cần thiết. Đầu tư cho hạ tầng, cho công trình cũng là gián tiếp đầu tư cho các nghệ sĩ. Chỉ có điều khác với nguồn vốn tư bản ưu tiên lợi nhuận, nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách eo hẹp thì phải xác lập thứ tự ưu tiên. Ngân sách có tính chính trị của việc phân bổ. Không phải không cần nhà hát nhưng vấn đề là ở đâu và lúc nào.

Bên cạnh đó, tôi không chắc số tiền 1.500 tỷ đồng là lớn hay nhỏ cho một nhà hát để đời. Người Úc từng phản đối nhà hát vỏ sò do chi phí và thời gian thi công kéo dài. Nhưng họ quyết làm và ngày nay nó trở thành biểu tượng tự hào của nước Úc. Do vậy, tôi nghĩ rằng, đây là lúc cần lắng nghe các ý kiến để cân nhắc chủ trương xây nhà hát Thủ Thiêm, còn trong tương lai, khi đã xây thì hãy cố gắng xây cho ra tấm ra món.

 

Theo Reatimes.vn