Khoa nghiên cứu bệnh viện không biết

Sau sự việc báo Lao Động phanh phui nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tái chế rác thải y tế, ngay chiều 8/1 lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức cuộc gặp thông tin báo chí. Vẫn biết rằng, đây là động thái cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ phía bệnh viện, nhưng tại buổi họp này rất nhiều câu hỏi chưa nhận được câu trả lời xác đáng.

Theo đó, giải thích về vấn đề tái chế rác thải y tế trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục vòng vo trả lời về những quy trình, quy định của Bộ Y tế về xử lý rác thải cũng như “khoe” ra công trình nghiên cứu khoa học “của riêng mình”.

Nhân viên tái chế rác thải y tế, lãnh đạo BV Bạch Mai nói gì? - Ảnh 1
PGS Nguyễn Việt Hùng và nói về nghiên cứu chưa được bệnh viện phê duyệt.

Theo đó, công trình khoa học mà PGS Hùng “khoe” đó là công nghệ “hấp rác” thải y tế để sau đó tái sử dụng nhằm giảm gánh nặng cho môi trường. Tuy nhiên, khi được hỏi về tên công trình cũng như ai cấp phép ông Hùng thừa nhận: “Đây là công trình do tôi và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn nghiên cứu”.

Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó GĐ Bệnh viện cũng khẳng định: “Nghiên cứu khoa học của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được bệnh viện cấp phép”. Vậy, dựa vào nguồn kinh phí, cũng như cơ sở nào, thiết bị nào để ông Hùng cũng như Khoa nghiên cứu một công trình mà tính sơ sơ tiền mua thiết bị cũng lên đến hàng tỷ đồng?

Trước sự trả lời vòng vo của người đứng đầu khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, nhiều phòng viên đã đề nghị ông Hùng trả lời thẳng vào câu hỏi: Bài báo đưa có đúng không? Đúng ở nội dung nào?

Nhân viên tái chế rác thải y tế, lãnh đạo BV Bạch Mai nói gì? - Ảnh 2
Máy móc trong khoa kiểm soát nhiễm khuẩn cũ nát dành để nghiên cứu tái chế của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Ảnh: Lao động

Lúc này ông Hùng ấp úng: “Bài viết trên báo Lao Động đưa là đúng, nhưng chúng tôi xử lý theo hai hướng, một là xử lý rác thải thông thường như những bệnh viện khác, còn lại cái chúng tôi hướng tới là tái chế rác thải lây nhiễm, dính máu thành rác thải thông thường… đó là cái mà báo báo Lao động nhìn thấy và đưa tin là đúng”.

Tuy nhiên, khi phóng viên báo Lao Động trực tiếp đặt câu hỏi về việc: Một nghiên cứu tầm cỡ và hiện đại như vậy, tại sao lại thực hiện với những thiết bị thô sơ chỉ đáng giá 100.000 đồng như bài báo phản ánh? Trước câu hỏi trên, đại diện bệnh viện lại tiếp tục vòng vo về vấn đề nghiên cứu, thử nghiệm và lảng tránh vấn đề chính.

Xe tải chỉ chở bìa cát tông

Riêng đối với những vấn đề sai phạm (nếu có) thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chưa cần các lãnh đạo bệnh viện lên tiếng, người đứng đầu khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tiếp tục “đăng đàn”: “Đây là công việc tôi đã làm 16 năm qua… nếu sai phạm thì trước hết người làm phải chịu trách nhiệm và tất nhiên cá nhân tôi cũng sẽ nhận trách nhiêm về vấn đề này”.

Đối với các vị lãnh đạo bệnh viện có mặt tại phòng họp, khi đặt câu hỏi về vấn đề: Hàng ngày có rất nhiều xe chở rác thải y tế đi lại như vậy, liệu các lãnh đạo bệnh viện có biết không và trách nhiệm của người lãnh đạo ở đâu?

Lúc này ông Nguyễn Ngọc Hiền (Phó GĐ Bệnh viện) đọc một loại các loại rác thải thông thường như: thùng xốp, hộp cát tông, chai nhựa chuyền dịch thông thường, nắp vỏ chai nhựa…là được phép chở ra ngoài theo quy định của bệnh viện.

Nhân viên tái chế rác thải y tế, lãnh đạo BV Bạch Mai nói gì? - Ảnh 3
Lãnh đạo bệnh viện kết luận buổi họp khi còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: Lãnh đạo Bệnh viện có dám khẳng định trong những xe chở rác thải thông thường kia chắc chắn không có bơm kim tiêm dính máu? Trước câu hỏi này ông Hiền cho biết: “Chúng tôi cố gắng kiểm soát tốt nhất vấn đề”.

Còn ông Hùng thì khẳng định: “Những xe mà báo chí phản ánh cồng kềnh như vậy là xe chở cát tong, một tuần họ mới đến chở một lần nên ra vào tấp nập, chúng tôi kiểm soát từ trong ra ngoài, kể cả ra cổng bảo vệ vẫn kiểm tra”.

Tuy chưa đến 5 giờ chiều, và còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra chưa có câu trả lời, và rất nhiều phóng viên muốn đặt câu hỏi, nhưng vì lý do thời gian thay mặt lãnh đạo bệnh viện GS Ngô Qúy Châu (Phó GĐ Bệnh viện) kết luận: “Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, bệnh viện đã ngừng ngay các hoạt động như báo chí đã phản ánh, đồng thời giao khoa kiểm soát nhiễm khuẩn rà soát, sau khi có kết quả, nếu đơn vị nào làm không đúng sẽ xem xét lại hợp đồng lao động.

Cá nhân nào để xảy ra sự việc đó, bệnh viện sẽ xử lý nghiêm khắc. Đây là bài học rất lớn đối với khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa phải xem xét lại việc làm của mình cũng như giáo dục lại nhân viên”./.

Theo Quỳnh Thơ / Gia đình Việt Nam