Ước tính trong 9 tháng, ô tô các loại được nhập khẩu về Việt Nam tăng 167,8% về lượng và tăng 157% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 109.000 chiếc, trị giá đạt 2,4 tỷ USD.

Cũng theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là từ Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, chiếm tới khoảng 97% tổng lượng xe nhập khẩu. Dự kiến, trong năm 2019, giá trị xe nhập khẩu có thể tăng lên mức kỷ lục, khoảng 3,4 tỷ USD.

Hình minh họa

Nếu như vài năm trước đây, lượng xe bán ra trên thị trường của Toytota Việt Nam được sản xuất, lắp ráp tại trong nước chiếm đến 74%, nhưng trong những tháng đầu năm 2019, hãng xe này đã gia tăng mạnh mẽ lượng xe nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, đưa doanh số xe nhập khẩu bán ra trên thị trường chiếm 36%, còn lại 64% là xe lắp ráp trong nước. Có thể dẫn ra đây dòng xe Camry của Toyota, trước đó cũng được sản xuất tại Việt Nam, nhưng kể từ đầu năm 2019, mẫu xe này được nhập hoàn toàn từ Thái Lan với nhiều tính năng vượt trội, giá cả cạnh tranh hơn hẳn so với nhiều dòng xe có cùng phân khúc được sản xuất trong nước.

Tương tự, Honda Việt Nam trước đó cũng chủ yếu bán các dòng xe nội với tỷ lệ lên đến 87%, nhưng trong xu hướng giá xe nhập khẩu rẻ khi thuế suất không còn là rào cản, hãng này đã thu hẹp hoạt động sản xuất trong nước xuống còn 30% để nhập về nhiều dòng xe đáp ứng thị hiếu khách hàng. Như đối với mẫu xe Honda CRV, hãng ô tô Nhật Bản này đã ngưng hẳn sản xuất trong nước để nhập khẩu từ Thái Lan bán ra tại thị trường Việt Nam. Đến nay, Honda Việt Nam tiếp tục nhập thêm một số dòng xe Jazz, HRB, Bio... làm phong phú thêm thị trường xe ô tô nhập khẩu. Thậm chí, một số hãng xe như Suzuki, nếu như trước đó mỗi năm còn xuất xưởng 500 – 600 chiếc tại Việt Nam, thì nay cũng đã chuyển hẳn sang bán dòng xe nhập khẩu.

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, với xu hướng hội nhập, sắp tới khi các rào cản thuế quan từ những nước tham gia CPTPP và EVFTA với Việt Nam như Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức... dần được gỡ bỏ trong vòng 7 – 10 năm tới, thị trường ô tô sẽ thực sự bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt. Một số chuyên gia nhận định, một điều dễ nhận thấy là giá thành sản xuất xe trong nước hiện vẫn còn cao hơn so với một số nước trong khu vực.

Chính vì vậy, để xe sản xuất trong nước có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu một cách sòng phẳng, ngoài việc nâng cao chất lượng, giảm giá thành, cần phải có những chính sách căn cơ, tạo hành lang thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất xe ô tô trong nước như phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sửa đổi một số chính sách thuế nhập khẩu linh kiện, nhất là việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với phần giá trị tạo ra trong nước có thể nên miễn giảm nhằm tạo động lực cho nhà sản xuất xe nội.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam