Con số báo động

Câu chuyện đau xót của vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong cùng một lúc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh là một bài học cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Hội đồng chuyên môn ngày 21/11 đã xác định, 4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đều bị đẻ non, nhẹ cân, trên nền bà mẹ có tiền sử về sản khoa, các bé đều đã được cấp cứu đúng phác đồ, tuy nhiên do sức khỏe yếu nên không đáp ứng điều trị.

Cả 4 trẻ đều bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn đường huyết và việc nhiễm khuẩn có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện.

11 em bé đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh ngay chiều và tối 20/11 đã được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trong số này, có đến 7 bé được bác sĩ xác định bị nhiễm trùng, theo dõi nhiễm trùng huyết, đều phải nằm cách ly trong điều kiện vô trùng.

Sau sự việc 4 trẻ sơ sinh tử vong, hiện Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đang được tiến hành các biện pháp xử lý nhiễm khuẩn bệnh viện bằng cách giảm bớt số bệnh nhân tại đơn nguyên sơ sinh, giải phóng giường bệnh để tiệt khuẩn môi trường. Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cũng đã cấy vi khuẩn các mẫu bệnh nhi, nhân viên y tế ở khu vực chăm sóc trẻ sinh non để tìm tác nhân gây nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn bệnh viện và mối lo vào viện thêm... bệnh

Trẻ sinh non ở Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đang được điều trị tại Bệnh viên Bạch Mai.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ là chỉ số chất lượng chuyên môn, mà còn là chỉ số an toàn của người bệnh; chỉ số đánh giá sự tuân thủ về thực hành của nhân viên y tế; chỉ số đánh giá hiệu lực của công tác quản lý và là một chỉ số rất nhạy cảm đối với người bệnh và xã hội.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị.

Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ước tính khoảng 1,7 triệu trường hợp nhiễm khuẩn liên quan bệnh viện, từ tất cả mọi loại vi sinh vật gây bệnh, bao gồm vi khuẩn và nấm kết hợp, gây ra hoặc góp phần làm tử vong 99.000 trường hợp mỗi năm.

Tại châu Âu, các nghiên cứu cho thấy các chủng vi khuẩn garm (-) chiếm 2/3 số trường hợp tử vong (25.000) do nhiễm khuẩn bệnh viện.

Các nghiên cứu quy mô vùng, quốc gia và liên quốc gia của các nước và Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện từ 3,5% đến 10% người bệnh nhập viện. Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viên ở mức cao hơn, từ 5-15% và tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các khoa hồi sức cấp cứu từ 9-37%

Ở Việt Nam, chưa có những nghiên cứu quốc gia đánh giá chi phí của nhiễm khuẩn bệnh viện, tuy nhiên, nghiên cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, 1 ca nhiễm khuẩn bệnh viện làm kéo dài thời gian nằm viện 15 ngày, viện phí trung bình mỗi ngày là 192.000 VNĐ, có thể ước tính chi phí phát sinh do NKBV là vào khoảng 2.880.000 VNĐ.

Trong hội thảo mới đây nhất của Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Hoàng Văn Thành từng chỉ ra, việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện đang ở mức thấp, công tác giám sát nhiễm khuẩn chưa được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

Hiện nay, có 72,06% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn hằng năm, nhưng việc thực hiện giám sát vẫn rất thấp. Chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận giám sát nhiễm khuẩn chuyên trách. Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam dao động từ 4,2-8,1%.

Lỗi từ sự chủ quan?

Đặt trọng tâm chống nhiễm khuẩn bệnh viện cần được các giám đốc cơ sở y tế quan tâm đầu tư đúng mức để giảm lây nhiễm chéo, giảm ngày điều trị, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người bệnh.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, gần một thập kỷ đã qua, mặc dù đã có rất nhiều những nỗ lực trong tất cả các lĩnh vực từ việc xây dựng và ban hành chính sách kiểm soát nhiễm khuẩn và thiết lập các hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, đào tạo và tăng cường thêm các phương tiện, hóa chất phục vụ cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn... Tuy nhiên, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn là 1 vấn đề cần quan tâm hơn vì một số nguyên nhân chính gồm các yếu tố nội sinh: bệnh nhân ở 1 số chuyên khoa có tình trạng miễn dịch kém, suy giảm khả năng phòng vệ của cơ thể, những người bệnh dùng thuốc kháng sinh kéo dài, trẻ sơ sinh non tháng thì các vi sinh vật cư trú trên da, các hốc tự nhiên của cơ thể người bệnh có thể gây nhiễm khuẩn cơ hội, đặc biệt khi cơ thể bị giảm sức đề kháng.

Nhiễm khuẩn bệnh viện và mối lo vào viện thêm... bệnh

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đang là thách thức lớn của ngành y

Ngoài ra, nhiễm khuẩn lây truyền đến những bệnh nhân đề kháng yếu tại những nơi điều trị lâm sàng qua nhiều cách khác nhau. Nhân viên y tế có thể lây truyền nhiễm khuẩn, thêm vào đó là các thiết bị y tế, khăn trải giường bệnh, các hạt li ti trong không khí mang mầm bệnh.

PGS.TS. Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, thực tế, trong môi trường bệnh viện hiện nay đang có dày đặc các loại vi khuẩn và nhiều loại khuẩn giờ đã kháng thuốc, không thể chữa nổi.

"Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện còn nguy hiểm hơn cả bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải, nhất là đối với người già, trẻ sinh non, sơ sinh, sức đề kháng yếu... thì càng dễ bị các vi khuẩn dày đặc trong bệnh viện tấn công", bà Lan nhận định.

Theo một chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, quy trình thăm khám cho mỗi người bệnh cần một đôi găng tay. “Khi bác sĩ đã đeo găng tay thì về bản chất họ không ngại chạm vào các chỗ bẩn, và nếu bàn tay đeo đôi găng bẩn đó thăm khám cho người bệnh khác thì vô tình bàn tay bác sĩ đã đưa vi khuẩn từ người này sang người kia, làm lây lan bệnh”, chuyên gia này cho hay.

Trước đó, tại Hội nghị khoa học kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện diễn ra tại BV Trung ương Huế, PGS.TS Lê Thị Anh Thư - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Chợ Rẫy) lo ngại, vệ sinh tay được coi là biện pháp đơn giản nhưng quan trọng nhất trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều bác sĩ, nhân viện y tế… không tuân thủ đúng 5 thời điểm vệ sinh tay do WHO đưa ra.

Bà Thư còn nhấn mạnh việc phải đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn trong các phòng, thiết bị chạy thận nhân tạo. Vụ việc 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình luôn là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi y bác sĩ về công tác vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, để phòng nhiễm khuẩn bệnh viện cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh... và đặc biệt là vệ sinh tay.

Ngoài ra, với trẻ sơ sinh, người thân hạn chế hôn, nắm tay, xoa má. Đặc biệt là với trẻ sinh non, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao vì những cử tưởng chừng như âu yếm, yêu thương con lại mang vi khuẩn vào trong buồng bệnh và cơ thể các bé.

Theo congly.vn