Cụ thể, trong một chia sẻ mới đây trên VnExpress, Luật sư Trương Anh Tú cho hay: Trong các biện pháp xử lý kỷ luật lao động mà pháp luật quy định, không có trừ lương.

Do đó, công ty của bạn trừ lương người lao động là trái luật!

Điều 84 Bộ Luật lao động quy định: Người vi phạm kỷ luật lao động, tùy theo mức độ phạm lỗi, bị xử lý theo một trong những hình thức sau đây:

  • Khiển trách
  • Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 6 tháng hoặc cách chức
  • Sa thải

Luật cũng quy định không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật đối với một vi phạm kỷ luật lao động.

Như vậy, trong các biện pháp xử lý kỷ luật lao động mà pháp luật quy định, không có biện pháp trừ lương của người lao động. Việc công ty của bạn áp dụng hình thức trừ lương để xử lý kỷ luật lao động là trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp và tại nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã dùng biện pháp trừ lương của người lao động và coi đó như một hình thức cảnh cáo, răn đe đối với việc đi làm trễ giờ, quên chấm công/chấm vân tay hay về sớm so với quy định.

Ngoài ra, việc công ty trả lời bạn mức trừ lương mà họ áp dụng đã được xem xét, nếu không còn có thể bị cắt toàn bộ lương tháng này (cúp lương) cũng không được pháp luật thừa nhận.

Bởi khoản 2 Điều 60 Bộ luật lao động quy định: “Người sử dụng lao động không được áp dụng biện pháp xử phạt bằng hình thức cúp lương của người lao động”.

Nhiều doanh nghiệp dùng hình thức trừ lương, thưởng của nhân viên đối với việc đi làm trễ giờ 

Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp còn diễn ra tình trạng thử việc không lương với lý do đây là thời gian để học việc, nhân viên phải tự lo các chi phí. Và điều này đã vi phạm Điều 28, Bộ Luật lao động. 

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Điều 101. Khấu trừ tiền lương

  1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
  2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
  3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam