Phụ huynh nói gì về tăng giá sách?

Trước sự tăng giá đột ngột đó, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng khi sách giáo khoa (SGK) tăng liệu các đầu sách tham khảo cũng từ đó mà tăng theo.  “Thực sự, hiện nay giá sách giáo khoa không phải vượt quá khả năng của phụ huynh chúng tôi, thứ mà khiến chúng tôi gánh nặng chính là các đầu sách tham khảo. Hiện nay, mỗi môn học sẽ có những đầu sách tham khảo khác nhau mà giá sách tham khảo nhiều cuốn còn cao gấp 2-3 lần sách giáo khoa trong khi đó chương trình học hiện nay, ngoài sách giáo khoa ra thì rất cần những đầu sách tham khảo để hỗ trợ”, đó là chia sẻ của anh Bình An - ở Hà Nội.

Nhiều năm giá sách giáo khoa đứng yên – Liệu có nên tăng giá không?

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Cũng theo ý kiến của nhiều phụ huynh thời điểm này từ nay cho đến khi áp dụng chương trình mới còn 1 năm, nếu bộ sách giáo khoa hiện hành chỉ sử dụng một năm nữa mà tăng giá thì tôi nghĩ là không nên. Còn điều chỉnh giá của bộ sách giáo khoa mới tôi nghĩ cũng hợp lý vì tôi được biết, nhiều năm nay giá cả nhiều mặt hàng tăng, nhưng giá sách giáo khoa vẫn đứng yên.

Nhiều năm sách giáo khoa vẫn đứng yên

Cũng liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Nghị quyết của Quốc hội có nêu, Bộ GD-ĐT thực hiện biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn theo quan điểm xã hội hóa. Dạy bộ SGK của Bộ GD-ĐT hay của tổ chức, cá nhân nào khác là lựa chọn của trường sau khi tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có những môn học không thể có nhiều SGK, chỉ có thể có sách tham khảo để minh họa. Ví dụ Lịch sử Việt Nam từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, tiền Lê, hậu Lê... không thể biên soạn khác được hay Địa lý Việt Nam với núi non, sông ngòi…, làm sao có nhiều SGK được… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn về quy định SGK ở Điều 31 của dự thảo Luật và đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT giải thích thêm.

Đồng thời, liên quan đến giá sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ giá SGK phải kê khai giá với Bộ Tài chính. “Tôi có trao đổi với Bộ Tài chính, 8 năm qua, SGK “đứng im”, giá vẫn duy trì mặc dù các khoản chi phí tăng liên tục. Tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần. Giấy in tăng 20%, điện tăng 41% nhưng giá SGK vẫn như 8 năm về trước” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ xem xét về việc quản lý điều hành giá cả thị trường theo quy luật chung, không thể phi thị trường vì điều đó không hợp lý. “Nếu trường hợp không điều chỉnh thì với những khoản dự kiến sẽ lỗ, Chính phủ xử lý như thế nào? Nên chăng chúng ta cũng phải trao đổi, Chính phủ có biện pháp chỉ đạo để có cho tốt. Giá bất hợp lý với thị trường, để lỗ thì ai chịu trách nhiệm”.

Theo congly.vn