Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hết 31-7, các thí sinh kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng duy nhất trong năm 2019. Thống kê cho thấy, số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến chiếm đa số, sau đợt điều chỉnh, các trường ĐH top giữa cũng có những dịch chuyển thí sinh đáng kể.

Thống kê của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), đến 17g ngày 30-7-2019, có tổng số 284.932 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 2019.

Trong số này có 225.260 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến và 59.672 thí sinh điều chỉnh bằng phiếu. Có 50 thí sinh đăng ký điều chỉnh khu vực ưu tiên, 80 thí sinh đăng ký điều chỉnh đối tượng ưu tiên. Riêng trong ngày 29-7, số lượng thí sinh điều chỉnh theo hình thức trực tuyến tăng hơn 30.000; điều chỉnh bằng phiếu tăng hơn 8.500 thí sinh; 6 thí sinh điều chỉnh khu vực ưu tiên, 6 thí sinh điều chỉnh đối tượng ưu tiên.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng và phải nộp bổ sung lệ phí. Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều chỉnh nguyện vọng và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ.

dich chuyen o nhung truong top giua
Sau đợt điều chỉnh nguyện vọng, các trường top giữa có sự thay đổi thí sinh đáng kể. 

Sau đợt điều chỉnh nguyện vọng này, các trường ĐH top giữa (thường lấy điểm chuẩn từ 16 đến 22) có sự nhích lên về số lượng thí sinh. Ví dụ, trường ĐH Công nghệ GTVT cho biết, số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường tăng lên khoảng trên 2.000 nguyện vọng so với đợt đầu đăng ký xét tuyển (tháng 4-2019). Trong đó, số lượng nguyện vọng 1 tăng lên khoảng gần 1.000.

Trường ĐH GTVT TP HCM có tổng số nguyện vọng vào trường sau khi điều chỉnh tăng 17,7% và tổng số thí sinh tăng 11,6% so với trước khi điều chỉnh.

Điểm chuẩn của các trường có tăng theo xu thế phổ điểm. Tuy nhiên, chỉ những trường top đầu, ngành top đầu và các trường CA, quân đội, y, dược .... có khả năng tăng điểm chuẩn. Còn lại, các trường cơ bản như 2018, nếu có tăng thì cũng không quá cao. Lợi thế của các trường nhóm 2 là có điểm chuẩn phân nhóm khá rộng. Vì thế, với những thí sinh có mức điểm trên 20 điểm cho 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển, các em sẽ có cân nhắc thay đổi nguyện vọng vào các trường top giữa, để chắc suất trúng tuyển. Bởi nếu đặt nguyện vọng 1 vào ngành (hay trường) có điểm sàn vừa bằng điểm xét tuyển của bản thân, thí sinh nên chọn thêm một vài nguyện vọng vào ngành yêu thích ở các trường có điểm sàn và điểm chuẩn hàng năm thấp hơn một chút để tăng cơ hội.

Hiện nay, đã có những trường có thể cung cấp cho thí sinh dự kiến khoảng điểm trúng tuyển đối với từng ngành, nhóm ngành để các em có đầy đủ thông tin trước khi thay đổi nguyện vọng. Từ đó, giúp cho việc thay đổi nguyện vọng của các em thành công và hiệu quả hơn.

Tại thời điểm này, có một số trường đã công bố điểm chuẩn dự kiến như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Luật TP HCM công bố điểm chuẩn dựa vào kết quả kỳ thi kiểm tra, đánh giá năng lực. Và một số trường năng khiếu, tuyển sinh có tính chất đặc thù cũng đã xác định điểm chuẩn: Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP HCM vừa công bố điểm chuẩn ĐH 2019. Điểm chuẩn bao gồm điểm các môn thi Ngữ văn và Phân tích tác phẩm nghệ thuật hệ số 1, môn năng khiếu hệ số 2. Mức điểm chuẩn vào các ngành đào tạo của trường dao động từ 23 - 27 điểm (đã nhân hệ số) cùng với điểm chuẩn môn năng khiếu kèm theo.

Còn lại, các trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, sau đợt điều chỉnh nguyện vọng, phải qua đợt lọc ảo chung. Công tác xét tuyển và lọc ảo toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-8 theo phương thức trực tuyến. Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhóm trường xét tuyển, lọc ảo và tất cả các trường (trong và ngoài nhóm trường xét tuyển) phải chủ động trong quá trình tuyển sinh và tương tác với phần mềm xét tuyển, lọc ảo theo lịch chung. Đặc biệt, sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 8-8, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-thi-sinh-dieu-chinh-nguyen-vong-o-nhung-truong-dh-top-giua-157250.html

Theo Pháp luật xã hội