Nhu cầu sử dụng tiền của mọi người ngày càng tăng lên chính là cơ hội khiến những kẻ xấu trục lợi. Do hiểu biết còn hạn chế nên nhiều người đã bị "sập bẫy" tín dụng đen và phải lâm vào cảnh tán gia bại sản, tiền mất tật mang, gia đình tan nát.

Nghiêm trọng hơn, tín dụng đen còn là mầm mống phát sinh nhiều tội phạm nguy hiểm gây ra hàng loạt vụ án giết người, cướp tài sản, gây mất trật tự và an toàn xã hội khiến dư luận bàng hoàng.

Mới đây, Công an Thanh Hóa đã triệt phá băng nhóm tội phạm về tín dụng đen với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Các đối tượng trong đường dây cho vay lãi nặng này đã núp bóng Công ty Dịch vụ tài chính Nam Long và đặt ra những kỷ luật khủng khiếp hơn cả thời trung cổ đối với nhân viên của mình. Riêng với khách hàng, công ty này còn có những thủ đoạn tinh vi và dã man hơn nên đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của rất nhiều người dân.

Tín dụng đen là gì?

Về mặt pháp lý thì chưa có khái niệm thế nào là tín dụng đen vì hiện không có quy định cụ thể. Tuy nhiên, tín dụng đen luôn gắn liền với những hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp, không được phép hoạt động cho vay nhưng vẫn tiến hành cho vay.

 tín dụng đen còn là mầm mống phát sinh nhiều tội phạm nguy hiểm gây ra hàng loạt vụ án giết người, cướp tài sản

Tín dụng đen chính là mầm mống phát sinh nhiều tội phạm nguy hiểm gây ra hàng loạt vụ án giết người, cướp tài sản. (Ảnh minh họa).

Về bản chất, tín dụng đen có xuất phát từ những tín dụng không tốt, xấu ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng nên mọi người thường thêm chữ “đen” vào chữ “tín dụng”.

Thực chất, tín dụng đen là một hình thức cho vay nặng lãi với lãi suất “khủng” vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép. Tín dụng đen được thực hiện chủ yếu bởi một cá nhân hay nhóm cá nhân hoặc có thể là tổ chức ngoài vòng kiểm soát của pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng phổ biến nhất của “tín dụng đen” là sự kết hợp của 2 yếu tố cho vay bất hợp pháp đi kèm với áp đặt một mức lãi suất cao trái với quy định của pháp luật.

Việc cho vay và vay tiền ngoài các tổ chức tín dụng được xác định là quan hệ dân sự và không phải hành vi bị cấm. Hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi việc cho vay được xác định là có lãi suất vượt quy định và có tính chất “bóc lột”.

Tuy nhiên, các chủ tín dụng đen thường tìm mọi cách để che giấu mức lãi khủng khiếp như không thể hiện trên giấy tờ vay mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay và nếu có bị bắt thì công an cũng rất khó chứng minh mức lãi này.

Lời kể của những người từng “sập bẫy” tín dụng đen

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Th. (21 tuổi – là sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi thoát khỏi tín dụng đen. Anh Th. Kể lại: “Thực ra sinh viên ít nhiều cũng có lúc lầm lỡ, chơi bời. Bản thân em cũng biết rằng mình cũng ham chơi, không chú tâm học hành cũng như siêng làm thêm như những bạn khác. Cách đây gần 1 năm em trót “dính” vào cờ bạc nên đã phải đi vay mượn lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, bắt đầu từ đó em phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ và luôn phải né tránh, sợ sệt chủ nợ đến tìm”.

Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi thoát khỏi tín dụng đen.

Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi thoát khỏi tín dụng đen.

Anh Th. cũng cho rằng, do quá cần tiền để trả nợ do thua cờ bạc, lô đề nên đã cắn răng vay nợ lãi 20 triệu đồng với lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày. Tiền lãi mỗi ngày Th. phải trả cho chủ nợ lên đến 30.000 đồng và cứ 1 tuần phải mang đủ 210.000 đồng trả cho chủ nợ nếu không sẽ bị lãi chồng lãi.

Những tháng đầu tiên, anh Th. đã phải vay mượn bạn bè cùng quê, lớp đại học nhưng rồi chỉ đến tháng thứ 2 anh không thể cố hơn nữa để “gánh” số tiền lãi 210.000 đồng/ tuần, tương đương 840.000 đồng mỗi tháng.

“Em không biết phải làm sao, chỗ cho vay nặng lãi liên tục gọi điện đe dọa. Thậm chí họ còn dọa báo với nhà trường, báo với gia đình về việc em chơi bài bạc, lô đề rồi thua lỗ”, anh Th. tâm sự.

Không còn cách nào khác, cuối cùng, anh Th. đã phải dẫn cả chủ nợ về quê với mong muốn cha mẹ sẽ lo trả nợ lãi và gốc sau hơn 3 tháng vay mượn. Tổng số tiền Th. phải trả cả lãi lẫn gốc trong vòng 3 tháng đã đội lên đến 22.500.000 đồng.

“Em biết là em đã quá lầm lỡ khi vướng phải cờ bạc, lô đề rồi phải vay nợ lãi. Giờ gia đình đã cứu em thoát khỏi cảnh này khiến bản thân vô cùng hối hận”, Th. cho hay.

Trường hợp của Th, còn may mắn bởi có gia đình hỗ trợ và nhanh chóng chấm dứt việc con mình dính đến cờ bạc, lô đề, tín dụng đen.

Có trường hợp còn phải “cắn răng” chịu số tiền lãi cao ngất ngưởng như anh M. (31 tuổi, ở Bắc Giang).

“Quá thiếu tiền nên tôi đã phải vay tín dụng đen số tiền 10 triệu đồng trong 1 tháng nhưng đúng 1 tháng sau trả thì tiền lãi bị tính đến 6 triệu đồng. Dù thắc mắc nhưng những đối tượng cho vay này liên tục đe dọa nên cuối cùng mình chỉ biết cắn răng chịu trận”, anh M. ngậm ngùi kể lại.

Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tín dụng đen 

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của nạn tín dụng đen, tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối ngày 3/12, ông Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an nhận định, tín dụng đen hoạt động rất tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra. Tín dụng đen chủ yếu lợi dụng, núp bóng dưới các tiệm cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng, văn phòng công chứng...

Cũng theo ông Quang, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo bằng cách tuyên truyền, quản lý dịch vụ tài chính, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan đến hoạt động cầm cố vay nợ cũng như chỉ đạo các địa phương đấu tranh triệt phá các tội phạm.

"Chúng tôi sẽ tổ chức nâng cao công tác tổ chức tiếp nhận tố giác đường dây nóng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định mở đợt cao điểm liên quan đến tấn công trấn áp tội phạm từ  ngày 16/12 sau một thời gian chuẩn bị nhân, vật lực. Đợt cuối năm này hoạt động tín dụng đen là một trọng điểm, Bộ tiến tới triệt phá hoạt động này", ông Quang cho biết thêm.

Theo Bảo Linh/Đô thị mới