Một cô bé được trị thương sau vụ động đất ở Haiti hồi tháng 1/2010. Ảnh: Reuters

Hơn 200.000 người đã thiệt mạng khi vụ động đất mạnh 7.0 độ Richter diễn ra tại Port-au-Prince, Haiti. Munoz, phóng viên ảnh, đã tìm thấy một cô bé bị thương ở đầu sau thảm họa đó.

"Cô bé còn rất nhỏ và vết thương không nặng lắm... nhưng cô bé đã rất sợ hãi", phóng viên Munoz cho hay. "Tôi cố tìm cô bé sau đó nhưng không thấy".

Đám cưới của Hoàng tử Anh William và vợ Catherine ngày 29/4/2011. Ảnh: Reuters

Dylan Martinez đã có bức ảnh khá thú vị khi ghi lại cảnh cặp đôi hôn nhau trên ban công trong khi cô bé phù dâu Grace Van Cutsem tỏ vẻ khó chịu và bịt tai của mình lại.

"Khi chụp ảnh tôi không nhận thấy cô bé đang ôm tai mình. Tôi chỉ thấy rằng bức ảnh có một nền phông đen đẹp. Nhưng sau đó khi để ý tới cô bé phù dâu, tôi mới thấy một sự tương phản thú vị, làm nên một bức ảnh để đời", Martinez nói.

Phe phiến quân Syria đang chạy trốn khỏi những mảnh vỡ của bức tường đang sụp đổ ở Damascus, 30/01/2013. Ảnh: Reuters

Bức ảnh này cũng đã giúp Goran Tomasevic đoạt giải World Press Photo đầu tiên vào năm 2014.

"Tôi đã theo sát cuộc chiến tại Syria trong một thời gian dài", Tomasevic kể lại. "Lúc đó bức tường mà họ đang ẩn nấp sụp đổ, và vụn đá rơi xuống khắp nơi".

Một người di cư hôn con gái mình khi đi bộ tới biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia,10/09/2015. Ảnh: Reuters

Yannis Behrakis dẫn đầu một đội ngũ làm tin về những người di cư từ Trung Đông tới châu Âu vào năm 2015, chụp lại những bức ảnh của những gia đình khi lần đầu bước xuống thuyền tới một đất nước xa lạ. Bức ảnh này của Reuters cũng đã giúp tờ báo đạt giải Pulitzer vào năm 2016.

"Chúng tôi đã cho thế giới thấy điều đang xảy ra, và thế giới đã trả lời. Điều này cho thấy rằng nhân tính vẫn còn tồn tại", Behrakis - người đã qua đời hồi tháng 3 vừa qua cho hay. "Chúng tôi đã giúp những người không may có được tiếng nói".

Usain Bolt ngoái nhìn đối thủ của mình trong cuộc đua 100m của nam tại Olympic 2016 tại Rio. Ảnh: Reuters

"Vòng bán kết là lúc mà các phóng viên thể thao có thời gian khởi động", Kai Pfaffenbach cho biết. Bức ảnh này của anh đã đoạt giải ba hạng mục ảnh thể thao của World Press Photo năm 2017.

"Tôi có khá nhiều thời gian rảnh và thử chụp một bức ảnh.. tôi thấy anh ấy chạy và giơ máy lên. Khi anh ấy quay đầu, tôi nghĩ rằng bức ảnh đã hỏng rồi, nhưng may sao lại thành một bức ảnh để đời", Kai chia sẻ.

Một người biểu tình cầm cờ Venezuela bên ngoài tòa án tối cao ở thủ đô Caracas, 12/06/2017. Ảnh: Reuters

"Khi tới, tôi thấy tình hình khá căng thẳng... Lửa bắt đầu bốc lên ở phía cửa vào tòa nhà và một người biểu tình, bịt mặt, đã chạy và cầm lá cờ trong tay như biểu tượng của chiến thắng. Nhưng chỉ vài phút sau đó, cảnh sát đã tới và những người biểu tình nhanh chóng rút đi", Garcia Rawlins cho hay.

Một người Rohingya kiệt sức sau khi di chuyển từ Myanmar sang Bangladesh, 11/09/2017. Ảnh: Reuters

"Những bức ảnh đôi khi có tiếng nói hơn là một bài viết", Danish Siddiqui cho hay. Bức ảnh này cùng bài viết về nạn di cư tại Myanmar đã giành được giải Pulitzer vào năm 2018.

"Tất cả câu chuyện đều ở trong bức hình đó. Chúng ta có thể thấy cột khói, chiếc thuyền và những người di cư. Chừng đó là đủ để mọi người hiểu được một câu chuyện phía sau", anh nói.

Những người di cư từ Nam Mỹ chạy trốn khi bom khói được ném tại biên giới giữa Mỹ và Mexico, 25/11/2018. Ảnh: Reuters

Bức ảnh này nằm trong loạt ảnh về những người di cư từ Nam Mỹ tới biên giới nước Mỹ, đã đoạt giải thưởng Pulitzer 2019 cho hạng mục ảnh thời sự.

Trong bức ảnh, một người mẹ người Honduras dẫn những đứa con của mình chạy khỏi quả bom khói do lính Mỹ ném.

"Thời điểm đó rất hỗn loạn và chỉ sau đó tôi mới thấy rằng những cô bé đó chỉ mặc bỉm, chân thậm chí còn không có dép", Kim Kyung Hoon cho hay.

Theo Công luận