Đa phần các bãi biển trên thế giới và Việt Nam khi bạn đến bạn mới chỉ tắm nắng vàng, lặn ngắm san hô hay thả mình trong làn nước xanh mát ... Nhưng khi bạn đến với các bãi biển này ở Việt Nam bạn có thể tận hưởng mọi điều mà các bãi biển khác khó có thể cho bạn. Bạn có thể tận hưởng bằng khứu giác khi đứng giữa biển mùi nặm và mát, hay bạn có thể tận hưởng cảm giác của lòng bạn chân đặt lên bãi cát trắng mịt ở ngày giữa đại đương bao la, bạn cũng có thể dạo bước trên những con đường xuyên biển ... Những bãi biển dưới đây sẽ mang lại cho bạn những xúc cảm tuyệt vời đó.

1. Đảo Điệp Sơn – Khánh Hòa

Con đường giữa biển Đảo Điệp Sơn - Khánh Hòa

Con đường giữa biển Đảo Điệp Sơn - Khánh Hòa

Cách TP.HCM khoảng 500 km, Điệp Sơn (Hòn Bịp) là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Thời gian lý tưởng cho du khách đến đảo Điệp Sơn là từ tháng 12 đến tháng 7 hàng năm.

Điệp Sơn là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây thôi thúc những ai đã từng mang trong mình giấc mơ chinh phục đại dương buộc phải sắp xếp hành lý, xách ba lô lên và đi bởi nó sở hữu con đường đặc biệt có thể... đi bộ xuyên qua biển.

Đảo Điệp Sơn có khoảng 80 hộ dân, việc sinh hoạt buổi tối trông chờ vào chiếc máy phát điện. Mỗi gia đình chỉ có 3 tiếng đồng hồ sử dụng điện hàng ngày nên nơi đây vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ hiếm thấy.

Khi thủy triều hạ, con đường dài gần 700 mét, rộng chừng nửa mét trên đảo sẽ lộ ra giữa biển khơi xanh biếc. Đến đây bạn có thể hòa mình vào với thiên nhiên, dưới chân là dải cát trắng mịn màng, xung quanh là đại dương bao la, trên đầu là nắng, gió ...

Đi bộ trên con đường này đem lại cảm giác vô cùng thích thú, xen lẫn hồi hộp và một chút sợ hãi khi bạn bước giữa đại dương bao la. Con đường mòn trên biển kéo dài chưa đến 1 km, uốn lượn dưới mặt nước trong veo khoảng nửa mét (khi thủy triều rút, con đường nổi lên hoàn toàn giữa biển).

Bạn sẽ được trải qua cảm giác thích thú xen lẫn hồi hộp và sợ hãi khi phải bước giữa đại dương bao la. Dưới chân là cát, xung quanh là đại dương, trên đầu là nắng và gió, trước mặt là cả một hòn đảo - khung cảnh tưởng như trong mơ này hóa ra là có thật.

Thời gian hợp lý để trải nghiệm đảo là một ngày. Bạn nên chuẩn bị lều, thức ăn, đồ uống vì dịch vụ trên đảo chưa phát triển.

2. Đảo Yến - Khánh Hòa

Đảo Yến - Khánh Hòa

Đảo Yến - Khánh Hòa

Đảo Yến (Hòn Nội) thuộc vịnh Nha Trang, Khánh Hòa, cách đất liền khoảng 25 km về phía đông bắc, rất thu hút với cảnh đẹp tuyệt vời như thiên đường

Đảo thuộc quản lý du lịch của công ty Yến sào Khánh Hòa, nên khách không thể đi tự túc mà phải mua vé. Du khách chỉ được tham quan trong ngày, với giá 350.000 đồng một người, bao gồm ăn sáng, nước yến, bánh ngọt, cơm trưa và trái cây nhẹ buổi chiều. 

Đảo Yến có bãi tắm đôi: một bên nóng, một bên lạnh, do các dòng chảy tạo nên. Đây cũng là con đường thủy đạo duy nhất ở Việt Nam sở hữu điều kỳ diệu này. Thời gian phù hợp để tham quan từ tháng 4 đến cuối tháng 8, vì đây là mùa thời tiết khô ráo và thời gian thu hoạch tổ yến.

3. Nhất Tự Sơn - Phú Yên

Nhất Tự Sơn - Phú Yên

Nhất Tự Sơn - Phú Yên

Nhất Tự Sơn được mệnh danh là hòn đảo đẹp nhất trong Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa chừng 50 km. Đảo có tên là Nhất Tự Sơn bởi thiên nhiên đã khéo léo vạch ngang một đường trên nền biển xanh, thành ra hình dáng đảo giống với chữ Nhất trong Hán tự.

Con đường vượt biển của Nhất Sơn Tự gây ấn tượng với chiều dài khoảng 300m, nằm chìm mờ dưới nước và chỉ "lộ mặt" hoàn toàn khi thủy triều rút. Điều đặc biệt là nước sẽ rút vào buổi chiều từ mùng 1 đến 15 âm lịch, những ngày còn lại, nước lại rút vào buổi sáng.

Thời điểm nước dâng cao nhất chỉ ngang thắt lưng người lớn, nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm lội nước qua đây. Nhân dân trong vùng từ xưa vẫn xem Nhất Tự Sơn ở Phú Yên như một vị thần trấn giữ cửa biển nên họ rất có ý thức giữ gìn bảo vệ hòn đảo.

Cảnh quan trên đảo Nhất Tự Sơn như một khu vườn nguyên sinh xanh tốt. Ngọn núi chạy thẳng từ Bắc sang Nam với hai đầu vách núi hiểm trở, thẳng đứng. Sườn phía Tây bờ dốc thoai thoải, có bằng lăng, trắc mọc nhiều. Sườn bên Nam vách đá hiểm trở, có vô số mai vàng với những cội mai cổ thụ, thân sần sùi, khúc khuỷu. Nhất Tự Sơn còn như một tấm bình phong che chắn sóng gió nên người dân trong vùng luôn xem đảo như vị thần trấn giữ biển Đông.

Quang cảnh vịnh nhìn từ trên đảo Nhất Tự Sơn, xung quanh là các ghe thuyền, nhà bè nuôi tôm hùm. Nơi đây cũng là một trong những vựa hải sản nổi tiếng nhất của xứ Nẫu.

Đi trên con đường này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ với biển, trời bao la. Lên đảo, bạn có thể ngắm nhìn vịnh Xuân Đài từ trên cao và cũng đừng quên thưởng thức tôm hùm - món đặc sản của nơi đây. 

Nơi này được gọi tên "Điệp Sơn của tỉnh Phú Yên". Dù chưa thể so sánh được với vẻ đẹp của đảo Điệp Sơn ở Khánh Hòa, nhưng sự hoang sơ của một vùng đất chưa có nhiều tác động, tính cách hiền hòa của người dân và lợi thế của một "vựa" hải sản ngon rẻ...chắc chắn Nhất Tự Sơn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua đối với nhiều du khách.

4. Hòn Bà - Vũng Tàu

Hòn Bà - Vũng Tàu

Hòn Bà - Vũng Tàu

Hòn Bà nằm trên đường Hạ Long (tên khác là Thùy Vân) thuộc Bãi Sau của thành phố Vũng Tàu. Nơi đây lúc nào cũng tấp nập khách du lịch. Nếu nhìn từ xa, Hòn Bà nằm giữa biển, xen lẫn màu xanh của cây cối và màu đỏ của mái ngói. Trên Hòn Bà là miếu Bà. Đối với cư dân Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh thành lân cận, miếu Bà là địa chỉ tâm linh để thờ bái, ngưỡng vọng từ nhiều năm nay.

Đảo Hòn Bà có diện tích 5.000 m2, cách mũi Nghinh Phong khoảng 200 m. Con đường đá duy nhất ra đảo bị chìm ở độ sâu 2 m và chỉ nổi lên khi thủy triều xuống.

Những ngày nước đầy, du khách có thể đi ghe, đi thuyền ra thăm miếu. Nhưng thú vị hơn cả là cảm giác đi bộ ra đảo trên con đường đá xám nằm giữa biển. Tuy nhiên, chỉ trong hai ngày 14 và 15 âm lịch hàng tháng, khi nước biển rút, con đường này mới xuất hiện. Sau 4 giờ trồi lên, con đường lại chìm sâu dưới 2 m nước. 

Người dân địa phương cho biết: "Vào các dịp rằm tháng giêng, tháng 7, 10... hàng năm, đường nổi lên vào ban ngày nên nhiều người dân và du khách có thể đi bộ lên đảo. Những ngày khác, con đường này nổi lên ban đêm nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn". 

Đi trên con đường giữa biển hướng đến một nơi tâm linh, ai cũng như được trút bỏ những bực dọc, lo toan thường ngày để lòng nhẹ nhàng, thành kính khi viếng miếu. Đứng trên Hòn Bà, nhìn ra phía sau là mênh mông biển cả, phóng tầm mắt về đất liền là hình ảnh những con tàu nằm ngay ngắn sau chuyến ra khơi. Tất cả tạo nên một cảm giác bình yên, khó có thể thấy được ở nơi nào khác.

5. Hòn Khô - Quy Nhơn

Hòn Khô - Quy Nhơn

Hòn Khô - Quy Nhơn

Hòn Khô hay còn được gọi với cái tên khác là Cù lao Hòn Khô, là một trong 32 hòn đảo nằm gần bờ của tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 16 km, thuộc thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải. Nếu như bạn đang tìm một nơi vừa có con đường xuyên biển lại vừa hoang sơ, không đông đúc thì Hòn Khô chính là sự lựa chọn hợp lý.

Cũng như mọi con đường dưới biển khác, khi thủy triều xuống, con đường thủy đạo của Hòn Khô sẽ dần hiện ra. Hòn Khô hiện vẫn còn có cảnh vật hoang sơ tuyệt đẹp. Xen giữa những mỏm núi đá nhô ra biển là nhiều bãi cát phẳng mịn, quyến rũ. Trên đảo, dân cư thưa thớt, chủ yếu là ngư dân với hoạt động chính là đánh bắt hải sản. 

Bãi tắm ở Hòn Khô vẫn giữ được nét hoang sơ, mộc mạc. Ở đây du khách sẽ bắt gặp cát, gió và biển cả hòa lẫn vào nhau tạo nên một không gian đầy kỳ thú. Mùa biển êm, Hòn Khô đón chào du khách với bãi cát dài trắng mịn, với những rạn san hô sặc sỡ, với những bãi cỏ xanh mượt và lạch nước ngọt nứt từ vách đá.

Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức hải sản theo mùa ở các quán trên Hòn Khô. Hải sản đặc biệt tươi sống, có nhiều chủng loại như ốc vú nàng, cua, ghẹ, nhum biển…

Theo Thúy Hà / Reatimes