Đi lễ đầu năm kết hợp với du lịch tâm linh là một trong những nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt từ bao đời nay, đi để cầu cho một năm mới bình an, đem lộc tài về nhà. Việc duy tâm này sẽ giúp mọi người cảm thấy yên tâm hơn, bình an hơn và tâm tĩnh hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet: “Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân đi lễ đầu năm theo kiểu phong trào, chỗ nào nổi tiếng và đông người là tới hoặc đi lễ theo kiểu mù quáng thành ra lạc hậu, thái quá. Vì vậy, những địa điểm nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử, Ba Vàng, đền ông Hoàng Bẩy, Hoàng Mười… đều đông nghịt người đến lễ, dẫm đạp lên nhau mà lễ. Điều này đã khiến cho việc đi lễ trở thành biến tướng đi nhiều.

Điểm đến tâm linh là nơi con người đến để gửi gắm tâm tư, dành những khoảng thời gian lắng đọng để suy nghĩ về cuộc đời, những kế hoạch, dự định cho năm mới nên vẫn còn những người chọn đi lễ ở những ngôi đình, đền, chùa cổ nhưng ít người đến hơn”, ông Đạt chia sẻ.

 Khu vực cáp treo Chùa Hương đông nghịt người đi lễ đầu năm

Theo tư vấn của các đơn vị du lịch như Transviet, Vietravel, với những ai có mong muốn đến những nơi yên tĩnh hơn thì có thể lựa chọn một số điểm đến sau đây:

Chùa Mía ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

"Nổi danh chùa Mía làng ta

Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm".

Chùa Mía là một ngôi chùa cổ ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam với 287 pho tượng lớn, nhỏ mang tính nghệ thuật đỉnh cao, trong đó có 6 tượng đồng, 106 tượng gỗ và 174 tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng. Để ca ngợi đức tính tốt đẹp và sự tài trí của người Việt Nam, người xưa đã đúc những pho tượng gắn với nó là những sự tích, câu chuyện truyền dạy cho đời sau.

Chùa Mía ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Khi đến đây, du khách không chỉ ấn tượng với kiến trúc mà sự rêu phong, cổ kính của ngôi chùa cũng là điểm nhấn lưu đọng lại tâm trí mỗi người. Nhất là khi, nơi đây còn lưu giữ những hiện vật mang giá trị lịch sử lâu đời như: Chiếc chuông lớn đúc từ năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745); chiếc khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846); tấm bia đá được khắc năm 1634.  Những ngày đầu xuân, khách viếng chùa không ồn ào, chen chúc, khói hương không nghi ngút, thoảng trong không gian tĩnh mịch là tiếng chuông chùa văng vẳng.

Chùa Bổ Đà ở Bắc Giang

Trước kia, khi nhắc tới 3 ngôi chùa lớn nhất miền Bắc, người ta không thể không nhắc tới chùa Bổ Đà. Xưa có tên là Quan Âm tự nằm trên lưng chừng núi Bổ Đà, thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa được xây dựng từ từ thời Lý thế kỷ 11 và cùng với chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La), chùa Bổ Đà là một trung tâm Phật giáo lớn của Bắc Giang, thuộc thiền phái Trúc Lâm.

 Toàn bộ quang cảnh, không gian rộng 50 ha của chùa Bổ Đà

Với diện tích rộng 50.000 m2, nơi đây là một khu quần thể tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương. Ngôi chùa có lối kiến trúc nội thông ngoại bế, với gần 100 gian liên hoàn, mang một vẻ u tịch, thanh vắng hiếm thấy, kể cả so với những ngôi chùa cổ khác ở miền Bắc. Đặc biệt, chùa vẫn lưu giữ khá nguyên vẹn gần 2.000 mộc bản kinh Phật từ thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Bộ mộc bản này đã được công nhận là bảo vật Quốc gia và được Tổ chức Kỷ lục châu Á và Liên minh Kỷ lục thế giới công nhận là bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất thế giới.

 

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Đảo

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Đây là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Nhờ được bao phủ bởi hệ thống thiên nhiên đa dạng và hoang sơ, thiền viện như một khu tách biệt với thế giới bên ngoài.

 Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên là nơi học tập, tu đạo của nhiều nhà sư 

Từ dưới chân núi, bạn sẽ nhìn thấy các tòa tháp thấp thoáng sau những rặng cây và bí ẩn một cách lạ thường. Không chỉ tham quan hoặc dâng hương, du khách còn có cơ hội được đắm mình trong không gian yên tĩnh, tôn nghiêm với không khí trong lành, gió núi mát mẻ và bạt ngàn màu xanh cây cỏ.

Sau khi thăm thiền viện, du khách còn có thể đi tham quan khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự, đi cáp treo lên núi thăm chùa Tây Thiên, đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, đền Cô, đền Cậu, Đền Thõng, thác Bạc…

Đền Hùng ở Phú Thọ

Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương. Nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.

 Đền Hùng - nơi nói về cội nguồn của dân tộc Việt Nam, con cháu Vua Hùng

UNESCO đã công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Đây là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.

Chùa Thiên Mụ ở Huế

Nếu như Hà Nội có chùa Một Cột, Huế lại nổi tiếng với ngôi chùa Thiên Mụ linh thiêng, cổ kính. Ngôi chùa là biểu tượng không chính thức của thành phố cổ Huế. Một trong những di tích quốc gia nổi tiếng nhất ở chùa Thiên Mụ là chiếc xe chở nhà sư Thích Quảng Đức đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn ngày 11/6/1963, nơi ông tự thiêu mình để phản đối chính sách chống tôn giáo của chế độ Sài Gòn tại thời điểm đó.

 Chùa Thiên Mụ - một trong những biểu tượng của thành phố Huế

Trên đây là một số gợi ý cho mọi người lựa chọn tour du lịch tâm linh đầu năm thoải mái và vui vẻ. Theo như đại diện của Vietravel: “Lựa chọn điểm đến du xuân nào phụ thuộc theo sở thích, niềm tin của mỗi cá nhân, gia đình đối với điểm đến đó. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng của du xuân là tạo sự thảnh thơi, thư giãn cho tâm hồn ngày đầu năm mới. Do đó, chúng tôi thường khuyên các du khách, nhóm gia đình nên có kế hoạc rõ ràng và cụ thể trước khi đến một điểm nào đó, để tránh nạn chặt chém dịch vụ, cảnh xếp hàng dài mua vé tham quan, hay suy tính đi bằng gì, ăn ở đâu?...”.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới