Thí sinh Trưởng thôn ở Hà Nội gần 50 tuổi vẫn quyết tâm đi thi để trở thành tấm gương học tập cho con cái; bị gãy chân trước kỳ thi, song thí sinh người dân tộc Lào ở Hà Tĩnh vẫn chinh phục kỳ thi dưới sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, hay từng chuyến đò an toàn và miễn phí chở hàng trăm thí sinh qua sông Lam (Nghệ An) đến điểm thi… là những hình ảnh đẹp, ấn tượng của kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

 Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra trong 3 ngày từ 25 - 27/6. Ảnh: Q.Anh

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra trong 3 ngày từ 25 - 27/6. Ảnh: Q.Anh

Thí sinh Trưởng thôn U50 quyết tâm thi đỗ tốt nghiệp để làm gương cho con

Tại điểm thi Trường THCS & THPT Marie Curie (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện một thí sinh “đặc biệt” đó là anh Vương Đình Yên (SN 1973, ở Quốc Oai, Hà Nội), người mà rất nhiều thí sinh, người nhà thí sinh tại điểm thi này tưởng là… giám thị, bởi năm nay cũng đã 47 tuổi, thí sinh “già nhất” ở điểm thi này. Thí sinh đến từ xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, cách điểm thi hơn 20km cho biết, sau nhiều lần ấp ủ, quyết tâm, năm nay mới đủ kiến thức, tự tin để đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

Anh Vương Đình Yên sau nhiều năm quyết tâm nên năm nay đã đăng ký dự thi THPT. “Tôi tham dự kỳ thi này với mục đích là lấy bằng cấp ba. Ngày trước, do điều kiện khó khăn tôi không thể đi học được, giờ cuộc sống khá hơn nên tôi đã đăng ký thi. Ba năm qua, tuần nào cũng 3 buổi tối tôi đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Nam Từ Liêm để học. Thật sự ở tuổi này đi học tôi cũng thấy ngại. Tôi cũng muốn học và thi để làm gương cho con cháu.

 Thí sinh Vương Đình Yên (47 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) tự tin thi đỗ tốt nghiệp THPT. Ảnh: Q.Anh

Thí sinh Vương Đình Yên (47 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) tự tin thi đỗ tốt nghiệp THPT. Ảnh: Q.Anh

Chuẩn bị cho kỳ thi, tôi dành nhiều thời gian để ôn tập các môn thuộc Tổ hợp Khoa học Xã hội. Do đó, tôi đã tự làm đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, tôi được điểm trung bình 5,5 điểm các môn, trong đó môn Sử, Địa, Giáo dục công dân có điểm cao nhất bởi đề có những câu hỏi rất thời sự và theo hướng mở. Tính đến hết ngày thi thứ 2, tôi cảm thấy khá hài lòng với các môn đã thi và hi vọng bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội (thi sáng 27/6) sẽ có điểm tốt hơn và đỗ tốt nghiệp”, anh Yên chia sẻ.

Thí sinh dân tộc Lào gãy chân quyết vượt qua kỳ thi

 Thí sinh Vi Xuân Bảo (Hà Tĩnh) bị gãy chân nhưng vẫn quyết tâm chinh phục kỳ thi. Ảnh: Sơn Nguyễn

Thí sinh Vi Xuân Bảo (Hà Tĩnh) bị gãy chân nhưng vẫn quyết tâm chinh phục kỳ thi. Ảnh: Sơn Nguyễn

Tại điểm thi Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), nhiều bậc phụ huynh, học sinh cảm động khi chứng kiến hình ảnh thí sinh Vi Xuân Bảo (học sinh lớp 12, Trường THCS - THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (tại huyện Hương Khê) phải ngồi xe lăn và được các tình nguyện viên hỗ trợ dìu vào phòng thi. Mặc dù bị gãy chân trong một lần tai nạn giao thông phải đi bằng nạng gỗ, nhưng được sự giúp đỡ tận tình của Đội thanh niên tình nguyện, em Bảo đã có thêm động lực để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Thí sinh Vi Văn Bảo (SN 2000, người dân tộc Lào, trú tại xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại vùng miền núi, cách đây gần 1 tháng em bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy xương đùi phải. Mặc dù gia đình cố gắng chạy chữa nhưng vẫn chưa thể hồi phục để bước vào kỳ thi THPT. Trong thời gian điều trị tai nạn, em Bảo phải nghỉ học một thời gian dài. Tưởng chừng gặp biến cố như vậy em Bảo sẽ buông xuôi bỏ giở kỳ thi. Nhưng bằng sự quyết tâm của mình cộng thêm sự giúp đỡ động viên của mọi người em Bảo vẫn cố gắng ôn luyện để đạt kết quả tốt trong kỳ thi này…

“Lúc mới xảy ra sự cố em buồn lắm, may có sự động viên của gia đình, bạn bè nên em tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn. Dù phải nằm viện nhưng em vẫn cố gắng ôn thi. Phải nghỉ gần 1 tháng trước khi thi em cũng hoang mang lắm. Mặc dù chân em không tự đi lại được, nhưng bằng sự giúp đỡ của các anh chị trong Đội thanh niên tình nguyên và nhà trường em có thể đến được phòng thi. Em rất cảm ơn những tình cảm mà mọi người dành cho em, chắc chắn em sẽ cố gắng thi tốt để không phụ lòng của mọi người”, em Bảo tâm sự.

Nhằm động viên, an ủi tinh thần em Bảo vượt qua kỳ thi, Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đã đón cả hai mẹ con Bảo về ở tại ký túc xá, lo cơm nước và phân công lực lượng hỗ trợ em đi lại trong những ngày thi. Chỗ ở của Bảo được bố trí ở trên tầng 2 của ký túc nên mỗi khi đi lại em phải có người giúp đỡ. Trong những ngày thi, thầy cô giáo và các anh chị trong đội thanh niên tình nguyện đã chủ động đến hỗ trợ Bảo đến trường thi đúng giờ.

“Hoàn cảnh của gia đình em Bảo rất khó khăn, lại gặp sự cố tai nạn giao thông. Vì vậy nhà trường bố trí hỗ trợ hết mức để thí sinh Bảo có điều kiện tham gia kì thi một cách tốt nhất. Đồng thời, chúng tôi đã báo cáo đến Hội đồng thi nhằm tạo điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khoẻ cho Bảo trong quá trình thi”, ông Đặng Thái Mân – Hiệu trưởng Trường THPT Nội trú Hương Khê cho biết.

Những chuyến đò miễn phí đưa sĩ tử đi thi

 Các thí sinh khi lên đò đều được mặc áo phao. Ảnh: D. PHƯƠNG

Các thí sinh khi lên đò đều được mặc áo phao. Ảnh: D. PHƯƠNG

Thanh niên tình nguyện, lực lượng công an trên tay luôn túc trực áo phao mặc vào cho các sĩ tử khi đi đò vượt sông Lam để đến điểm thi. Đó là hình ảnh đẹp của Đoàn Thanh niên xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương (Nghệ An) và lực lượng CSGT huyện Thanh Chương để đảm bảo an toàn cho các sĩ tử trong suốt mấy ngày diễn ra kỳ thi.

Để tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, hàng trăm thí sinh Trường THCS Đặng Thai Mai phải đi đò ngang qua sông Lam để tham gia dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 ở điểm Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Đây là địa phương duy nhất trong tỉnh Nghệ An có học sinh đi thi phải đi đò để đến điểm thi.

Do quãng đường đi bộ hơn 14km, nên đa số các thí sinh đều chọn đi qua bến đò Phuống (xã Thanh Giang) để đến điểm thi một cách nhanh nhất. Khi các em lên, xuống đò đều có sự hướng dẫn tận tình của lực lượng CSGT huyện Thanh Chương và Đoàn Thanh niên xã Thanh Giang. “Đây là những chuyến đò miễn phí cho các thí sinh đi thi. Đảm bảo an toàn cho các em luôn được chúng tôi quán triệt đến các lực lượng hỗ trợ”, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết.

Sáng nay (27/6), các thí sinh của Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tham dự thi Tổ hợp môn Khoa học Xã hội (các môn: Địa lý, Lịch Sử, Giáo dục Công dân) và hoàn tất kỳ thi. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh thi bài thi Khoa học xã hội (KHXH) là 560.000 thí sinh. Kỳ thi năm nay, cả nước có tổng số 887.104 thí sinh đăng ký dự thi. Kỳ thi năm nay có hơn 650.000 thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy, có hơn 230.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ.

 
Nguồn: http://giadinh.net.vn/giao-duc/nhung-hinh-anh-an-tuong-cua-ky-thi-tot-nghiep-thpt-quoc-gia-2019-20190626193604458.htm

Theo báo Gia đình & xã hội