Thần tài là một vị thần được nhiều gia đình người Việt thờ cúng, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán. Thần tài giúp bảo vệ của cải, đem tài lộc may mắn đến cho gia chủ. Về ngoại hình, Thần tài thường tay cầm kim ngân lượng (vàng), bạc, đầu đội mũ mão, trang phục nghiêm chỉnh.

Bàn thờ Thần Tài (đi kèm với Ông Địa) là một chiếc khám nhỏ, sơn son thếp vàng. Trên bàn thờ nhất định phải có tượng Thần tài, Ông Địa bằng sứ để thờ. Ngoài ra còn cần hũ gạo, muối, nước; lọ hoa; bát nhang; đĩa bày trái cây và khay 5 chén nước.

Bàn thờ Thần tài được đặt ở một góc nhà, thường thì gần cửa ra vào với mục địch rước tài lộc vào nhà.

Theo phong tục dân gian, vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm được xem là ngày vía Thần Tài. Số ngày Thần Tài là ngày mùng 10 vì đó là số tận cùng cao nhất của đồ hình Hà đồ trong học thuật cổ Đông.

Trong ngày mùng 10 này, những gia đình có thờ Thần tài sẽ làm lễ cúng lấy vía Thần tài để mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc. Theo các chuyên gia phong thủy, việc cúng Thần tài trong ngày vía Thần tài là rất quan trọng vì có đón Thần tài mới bổ sung được tài lộc trong năm mới.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, để tài lộc được trọn vẹn và không làm mất lòng Thần tài, trong ngày này những gia đình cúng Thần tài cần lưu ý:

- Hương: Có thể thắp hương vào buổi sáng hoặc buổi tối, quan trọng là chọn giờ tốt để cúng lễ hoặc ngày giờ tốt có sao tốt đến để kích hoạt trường khí dễ dàng hơn.

- Nước: Cần rửa sạch chén và chỉ một chén nước là đủ. Nước dùng để thắp hương không nên rót quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm.

- Hoa: Gia chủ có thể sử dụng bình hoa bằng thủy tinh hoặc gốm sứ. Nên lựa chọn hoa tươi, có nụ, có hương thơm, tuyệt đối không dùng hoa giả để làm lễ.

- Quả: Không dùng quả nhựa, quả nhân tạo để làm lễ, nên chọn quả tươi ngon, còn nguyên vẹn, như táo, lê, chuối, cam…

- Đèn, nến: Sử dụng đèn thật như đèn dầu, nến, không dùng đèn điện, đèn nhấp nháy vì tạo khí trường xấu, ảnh hưởng tới việc thờ cúng.

- Gạo, muối thì cất lại dùng cho có lộc, không được rãi ra ngoài.

- Rượu hay nước thì đứng ngoài cửa tưới vào nhà, có ý nghĩa là đem lộc vào.

- Bộ tam sên hay bánh trái chia nhau trong nhà dùng không cho người ngoài.

Những điều kiêng kị khi thờ Thần Tài

- Không đặt bàn thờ Thần Tài sát nhà tắm, nhà vệ sinh. Bởi theo quan niệm, tắm rửa, vệ sinh là việc trút bỏ ô uế, vì vậy, nếu đặt bàn thờ cạnh nơi này sẽ làm mất đi không khí tôn nghiêm.

- Không nên đặt bàn thờ Thần Tài ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của.

- Nên đặt bàn thờ đúng vị trí để có được nhiều tài lộc.

- Không đặt bàn thờ Thần Tài nhìn ra hướng Ngũ Quỷ: Đông Bắc, hướng Tây Nam.

- Không nên ăn mặc luộm thuộm, không mặc đồ rách khi cúng.

Như ông cha ta có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, để có được một năm mới tài lộc đầy nhà hãy làm đúng những lễ nghi thành kính cúng Thần Tài.

Theo Duy Phan tổng hợp/Reatimes