Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, nhiều người thường đổ xô tìm đổi tiền mới, tiền mệnh giá thấp để chuẩn bị cho tục lì xì, đi lễ đầu năm. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu cận Tết tăng cao thì Ngân hàng lại thông báo khan tiền lẻ, tiền mới khiến một số điểm đổi tiền lẻ ngoài thị trường ‘chợ đen’ bắt đầu hoạt động khá sôi nổi.

Phí đổi tiền liên tục “leo thang”

Ghi nhận của PV tại nhiều ngân hàng thương mại như BIDV, MBbank, Vietcombank, Vietinbank, Techcombank,… đều cho thấy tình trạng từ chối đổi tiền lẻ mới với lý do “không đủ” và “không có”.

Theo lời của giao dịch viên của một Ngân hàng thương mại trên đường Hoàng Đạo Thuý – Hà Nội, lượng tiền mới, đặc biệt là tiền lẻ trong thời gian này khan hiếm, mỗi ngày phía chi nhánh phải từ chối rất nhiều trường hợp đề nghị đổi tiền của người dân.

Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà Nước, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sẽ đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông cả tiền cũ lẫn mới. Trong đó, chỉ đưa ra một lượng tiền mới phù hợp và không phát hành tiền mới in.

Phí đổi tiền bị đẩy lên cao ngất ngưởng. (Ảnh: Internet)

Phí đổi tiền bị đẩy lên cao ngất ngưởng. (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, trên thị trường "chợ đen", hoạt động đổi tiền lẻ mới đang diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, do cung không đủ cầu nên các ‘đại lý’ đều hét cao hơn so với mọi năm và chỉ nhận đổi từ 100 tờ trở lên. 

Chỉ cần dành chút thời gian truy cập internet, người tiêu dùng không khó để tìm được những trang mạng rao bán, đổi tiền lẻ, mới nguyên cọc theo seri và nguyên niêm phong của ngân hàng với "số lượng tiền không hạn chế".

Theo khảo sát của PV, mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới hiện dao động từ 4-8% với tiền mệnh giá từ 10.000 đồng – 500.000 đồng tuỳ vào số lượng tiền đổi sẽ có ưu đãi. Còn đối với tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống sẽ mức phí khoảng 10-15%.

Cá biệt, nhiều địa điểm đổi tiền lẻ chợ đen thông báo chỉ có tiền 1.000 đồng trở lên. Tờ 500 đồng do không được in nữa nên nếu có thì phí quy đổi lên tới 150% mà cũng chỉ là tiền cũ được bó lại.

Trao đổi với một người làm dịch vụ đổi tiền tại phố Thái Thịnh, chị này cho biết, số lượng tiền lẻ khá lớn, với những giao dịch nhỏ dưới 1 triệu sẽ có ngay lập tức. Các giao dịch lớn hơn cần chốt đơn hàng trước một ngày để chuẩn bị đủ số lượng yêu cầu kèm cam kết tiền thật với mức phí đổi ưu đãi hơn những đơn lẻ.

Bảng phí quy đổi tiền với số lượng lớn tại một trang mạng. (Ảnh: Internet)

Bảng phí quy đổi tiền với số lượng lớn tại một trang mạng. (Ảnh: Internet)

Tiền nước ngoài bị đẩy giá cao

Khi nguồn tiền lì xì Việt hạn chế, người dân có xu hướng chạy theo những đồng tiền lưu niệm, tiền nước ngoài để làm tiền lì xì. Trên phố Hà Trung – Hà Nội, nhiều cửa hàng đã nô nức đổi đồng 2 USD với giá 50.000 – 55.000 đồng/tờ.

Cùng với đó là các đồng tiền thông dụng khác như Bảng Anh (GBP), Euro (EUR), Nhân dân tệ (CNY), Yên Nhật (JPY),... cũng được nhiều người lựa chọn với các mệnh giá nhỏ như 10 GBP, 5-10 EUR, 1-5-10 CNY, 1000 Yên. 

Những đồng ngoại tệ mệnh giá nhỏ được săn tìm làm lì xì bị thổi giá cao.

Những đồng ngoại tệ mệnh giá nhỏ được săn tìm làm lì xì bị thổi giá cao.

Theo một cửa hàng trên phố Hà Trung thì tỉ giá quy đổi những đồng tiền này không cố định, thay đổi theo từng ngày do nhu cầu người dân thời gian này mua dùng làm lì xì khá lớn.

Theo chỉ thị của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp mua bán, đổi tiền có thu phí trái phép nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng. Tuy nhiên do sự thuận tiện, nhanh chóng nên nhiều người vẫn chấp nhận tìm đến những dịch vụ này.

Khi tham gia vào những hoạt động đổi tiền 'chợ đen', người dân dễ gặp phải những chiêu thức lừa đảo, đánh tráo tiền giả gây thiệt hại về kinh tế và cũng không được pháp luật bảo vệ do đây là giao dịch phi pháp. Chính vì vậy cần phải cẩn trọng, đề cao cảnh giác với thị trường ‘chợ đen’.

Theo Kim Bách/Reatimes