Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm được gọi là ngày lễ Vu Lan (báo hiếu) và cũng lại là ngày lễ cúng cô hồn hoặc còn gọi là ngày xá tội vong nhân.

Tuy nhiên, lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng hoàn toàn khác nhau. Một lễ là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. Một đằng là báo hiếu, một đằng là làm phúc. Do hai lễ đó trùng trong ngày rằm tháng 7 nên nhiều người lầm tưởng rằng hai lễ đó là một.

1. Lễ Vu Lan báo hiếu 

Mọi người thường thực hiện lễ Vu Lan báo hiếu vào buổi sáng ngày rằm tháng 7 tại chùa. Trong lễ này mọi người mặc áo xám (áo nhà Phật) và cùng nhau tụng kinh Vu Lan để cầu siêu cho người thân trong gia đình đã khuất. Cũng trong lễ Vu Lan báo hiếu, một số nhà chùa tổ chức lễ đốt đèn hoặc thả lồng đèn hoa sen vào các tối ngày 13 - 15 âm lịch. 

Nghi thức

Nghi thức "Bông hồng cài áo" vào lễ Vu Lan báo hiếu.

Ngoài ra, lễ "Bông hồng cài áo" cũng là nghi lễ truyền thống trong ngày Vu Lan. Những ai cài bông hoa màu đỏ, màu hồng là có ý nghĩa cảm tạ trời đất vì mình còn được phụng dưỡng cha mẹ. Còn người cài hoa trắng là những người không còn bậc sinh thành. Nghi thức cài hoa hồng này vô cùng có ý nghĩa khi mỗi người được nhắc nhở và tự cảm nhận về công ơn của đấng sinh thành. 

2. Lễ cúng gia tiên và thần linh 

Ở miền Bắc cúng thổ công, gia tiên, ông bà, mọi người thường cúng trước ngày rằm tháng Bảy. Trong ngày này các gia đình làm một mâm cỗ chay dâng lên thần linh và tổ tiên của gia đình (nên cúng vào ban ngày). 

Đúng ngày rằm tháng Bảy, Phật tổ xá tội vong nhân trong vòng 1 ngày, mọi linh hồn kể cả tội lỗi, quỷ dữ dạ xoa đều được tự do, vì vậy nên nếu cúng các cụ đúng ngày này thì sợ bị những linh hồn này phá phách, rước thêm âm binh và cô hồn vào trong nhà mình cho dù ta đã cúng cháo cho họ, vậy nên các cụ có thể không nhận được gì con cháu cúng tế.

Mâm cỗ chay để cúng thần linh và tổ tiên ngày rằm tháng 7.

Mâm cỗ chay để cúng thần linh và tổ tiên ngày rằm tháng 7.

Cũng theo quan niệm dân gian thì vào ngày rằm tháng 7 sẽ có rất nhiều vong hồn được "thả" đi lang thang nên nếu ta hóa vàng mã vào ngày này thì sẽ bị cướp, giật mất người thân khó nhận.

Do vậy trên quần áo, đồ đạc hàng mã thường sẽ ghi rõ tên người nhận, khi cúng cũng đọc rõ tên và xin phép các thần linh thổ địa cho phép vong vào nhận đồ, cúng trước và hóa trước để người thân dễ nhận được.

Xem hướng dẫn sắp mâm cỗ chay tại đây.

Xem bài văn khấn tại đây.

3. Lễ cúng chúng sinh

Lễ cúng chúng sinh là cúng gửi cho những vong hồn không nơi nương tựa được thả ra vào ngày "xá tội vong nhân" và thường được cúng từ ngày 1 - 14 âm lịch. Các gia đình có thể cúng chúng sinh tại nhà hoặc tại chùa (nhiều gia đình quan niệm cúng chúng sinh tại chùa sẽ không rước các vong dữ vào nhà). 

Mâm lễ cúng chúng sinh ngày rằm tháng 7.

Mâm lễ cúng chúng sinh ngày rằm tháng 7.

Lễ cúng chúng sinh nên cúng vào buổi chiều tối. Điều cần đặc biệt lưu ý là mâm lễ cúng nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa, không quy định hướng lễ. 

Xem cách sắp lễ cúng chúng sinh tại đây.

Xem văn khấn cúng chúng sinh tại đây

 

Trang Bùi (tổng hợp)/ Theo Ngay Nay Online