Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang có xu hướng giảm dần, từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2017 và tiếp tục duy trì mức này trong 9 tháng năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ, kịp thời, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Riêng tại quận Long Biên là quận có tỷ số giới tính khi sinh cao của TP. Năm 2017, 10/14 phường của quận có mất cân bằng giới tính khi sinh, đứng đầu là phường Sài Đồng với tỷ lệ chênh lệch giới tính lên tới 137 trẻ trai/100 trẻ gái sơ sinh, phường Việt Hưng có 126 trẻ trai/100 trẻ gái… Do định kiến, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, nhiều gia đình sinh con một bề, cố đẻ con thứ 3, thứ 4 khiến tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh gia tăng.

Chị Hoàng Thị Thu ở Đặng Xá, Gia Lâm cho biết: “Dù xã hội đã có nhiều thay đổi về việc sinh con trai, con gái thế nhưng không phải ở đâu tâm lý sinh con trai cũng đã thay đổi một cách triệt để, ngay như tại gia đình tôi mặc dù không nói ra nhưng tôi vẫn cảm nhận được sức ép phải sinh con trai từ gia đình nhà chồng”.

nhung tin hieu tich cuc tu ty so gioi tinh khi sinh cua ha noi
Với những nỗ lực của mình Hà Nội đang tập trung giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Mai thì trong thực tế, việc mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ gây tổn thương tâm lý đối với trẻ gái mà còn dẫn đến những áp lực nặng nề cho trẻ trai. Trước hết, cùng được sinh ra nhưng ngay từ khi chào đời, trẻ trai đã mang trong mình nhiều gánh nặng do ông bà, cha mẹ đặt lên. Đó là làm trụ cột gia đình, là người lo hương hỏa tổ tiên sau này, là người để cha mẹ cậy nhờ khi về già. Chưa biết sức khỏe, trình độ và khả năng của đứa trẻ ấy ra sao, bản thân chúng có thích kỳ vọng trên hay không, nhưng việc lớn lên với hàng loạt trách nhiệm ấy được nhắc nhở thường xuyên.

Xã hội mà nam thanh niên trưởng thành kết hôn muộn do không kiếm được bạn gái hoặc phải sống cô đơn sẽ làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao. Điều này còn kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó là một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động. Trong trường hợp nam thanh niên phải lấy vợ từ nước khác hoặc ra nước ngoài sinh sống, lập gia đình sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về văn hóa, lối sống.

PGĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, với chủ đề Ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10 năm nay là “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”, để giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó giải pháp trọng tâm vẫn là phải truyền thông thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế trẻ em gái. Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh và thực thi các chính sách giảm thiểu mất cân bằng giới tính.

PGĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, phân biệt đối xử với trẻ em gái dù bất cứ nơi đâu trên thế giới này đều là mặt trái xã hội, là sự vi phạm quyền con người, cần phải được chấm dứt. Bình đẳng giới là cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Thời gian tới, cùng với việc tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục về công tác dân số phù hợp với từng đối tượng, các quận, huyện tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở y tế, nghiêm cấm, xử lý nghiêm các cơ sở cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; kịp thời động viên, tuyên dương các gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu trên địa bàn TP. Để đạt được tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng Hà Nội cũng như cả nước cần có những biện pháp cụ thể tích cực hơn nữa để những tín hiệu tích cực sẽ trở thành một phong trào lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Thái Yên

Theo phapluatxahoi.vn