Na Đồng Bành – Lạng Sơn

Vùng đất nổi tiếng về trồng na và loại cây trồng này được xem là “vàng đen” xóa đói giảm nghèo cho các bà con vùng dân tộc nơi đây. Hầu hết các hộ trồng na đều thoát cảnh đói nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu có nguồn thu nhập chính từ cây na.

Na Đồng Bành được thu mua rất nhiều. Ảnh: Internet.

Na Đồng Bành được thu mua rất nhiều. Ảnh: Internet.

Theo như người dân nơi đây thì địa hình núi đá với thời tiết ôn hòa đã giúp cho cây na sinh trưởng và phát triển. Na vùng đồng bành ngon hơn các loại na vùng khác khi có mắt màu ngả hồng phấn đặc trưng, quả to tròn, múi mẩy. Khi nếm thịt na có vị ngọt sắc, hương thơm nồng đặc trưng.

Phần lớn na được trồng trên núi, vì thế đi học tỉnh lộ Lạng Sơn, ta sẽ thấy những nương na xanh ngắt xen giữa những ngọn núi đá trùng trùng điệp điệp. Đều đặn ngày 2 lần, vào sáng sớm và đầu buổi chiều người dân sẽ gánh quang ghánh lên núi hái na.

Vào những ngày đầu tháng 8 là lúc vào mùa na thì nơi đây lại nhộn nhịp thương lái đến thu mua. Giá na Đồng bành cũng có giá cao hơn các loại na khác, tại vườn có giá khoảng 20-30 ngàn/kg, loại to đẹp sẽ có giá khoảng 50-60 ngàn/kg.

Na Mai Sơn – Lạng Sơn

Cũng là một loại na nổi tiếng của vùng đất Lạng Sơn được trồng từ những năm 1990. Đầu tiên vùng đất này chỉ trồng ngô và mía, rồi một vài hộ trồng thấy mang lại năng suất cao nên na được trồng nhiều hơn rồi lan rộng thành vùng đất trồng na truyền thống.

Nông dân đổi đời nhờ na. Ảnh: Internet.

Nông dân đổi đời nhờ na. Ảnh: Internet.

Cây na có đặc điểm không cần đất phù sa, màu mỡ nên nó rất dễ trồng và dễ canh tác. Giống na này lại không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón ít phân chuồng là cây phát triển rất nhanh. Huyện Mai Sơn hiện có trên 200ha na, từ vài hộ đến nay đã có hàng trăm hộ trồng na. Sản lượng ước đạt 2.000 tấn.

Na Mai Sơn có đặc điểm quả to, ít hạt, mắt nở to, mở phẳng và vỏ mỏng, ăn có vị thơm ngon đặc trưng. Giá na Mai Sơn được chia làm hai loại, quả to có giá trên 40.000 đồng/kg, quả trung bình giá từ 25.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg nếu mua tại vườn.

Hầu như na Mai Sơn được xuất các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng... So với các loại cây trồng khác cây Na là cây ổn định nhất ở vùng này vì cây này không bao giờ bị mất mùa, chăm sóc tốt năng suất vẫn cao.

Na Bồ Lý, Tam Đảo

Đến với Huyện Tam Đảo mù sương, không chỉ có đặc sản su su mà hiện nay, na Bồ Lý cũng đã được xem như một đặc sản nơi đây. Cây na được trồng trên đất Bồ Lý đã lâu nhưng phải đến năm 1995 thì cây này mới được trồng phổ biến do địa phương chủ trương là loại cây trồng xóa đói giảm nghèo.

Na Bồ Lý đang dần khẳng định thương hiệu. Ảnh: Internet.

Na Bồ Lý đang dần khẳng định thương hiệu. Ảnh: Internet.

So với trồng ngô, trồng khoai, trồng sắn thì trồng na mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn do vốn, chi phí chăm sóc ít, lại tận dụng được đất đồi. Hơn nữa, cây na thích hợp với đất đai và khí hậu của địa phương nên sinh trưởng và phát triển khá tốt, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây.

Mỗi vụ, hộ trồng nhiều thì thu hàng trăm triệu đồng, hộ ít nhất cũng vài ba chục triệu. Người trồng na không đủ để bán cho thương lái với giá bán tại gốc từ 30.000- 40.000đ/kg.

Na Bồ Lý khá ngon, có cùi dày, không có “cát”, ngọt sắc. Tuy nhiên thời gian thu hoặc của giống na này ngắn (45 ngày) và chất lượng chưa đồng đều nên sản phẩm chưa đủ lớn để cung cấp cho thị trường. Đây cũng là lý do na Bồ Lý chưa phổ biến như na Đồng Bành và Mai Sơn.

Nhận thấy điều này, Huyện Tam Đảo đã thành lập các hợp tác xã kiểu mới để từng bước xây dựng thương hiệu này và chắc chắn trong tương lai, na Bồ Lý sẽ được biết đến nhiều hơn.

Theo Mộc Anh/Reatimes