Gà vàng trông bắt mắt nhưng có thể gà đó đã bị cho ăn ‘thuốc độc’  ‘vàng ô’ hoặc nhuộm vàng gà bằng bột sắt.

Cho gà ăn ‘chất độc’, nhuộm gà vàng ươm nguy hại tới tính mạng con người thế nào?

Các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT vừa phát hiện một số cơ sở sử dụng hóa chất “Vàng ô” (VAT Yellow) trộn vào thức ăn chăn nuôi để nhuộm vàng gà trong thời gian vỗ béo gà. Đây là hóa chất sử dụng trong công nghiệp nhuộm vải sợi và xây dựng, có thể gây ung thư cho người khi sử dụng.

Chất vàng ô được dùng để tạo màu.

Chất vàng ô được dùng để tạo màu.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: Vàng-ô là hóa chất được nhập khẩu về từ nước ngoài, có công dụng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu làm ve quét tường trong ngành xây dựng. 

“Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất Vàng-Ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt”, ông Dương cho biết.

Những chất này được khuyến cáo chỉ dùng trong công nghiệp, tuyệt đối không dùng trong thực phẩm hoặc làm chất phụ gia trộn vào thức ăn cho người và động vật vì nó có hại cho sức khỏe của con người khi ăn các loại thịt có tồn dư chất này.

Mặt khác, những chất này đã được Bộ NN&PTNT bổ sung vào danh sách những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và thực phẩm vì độc hại và có nguy cơ gây ung thư cho người ăn vào.

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, giảng viên ĐH Nông Nghiệp Hà Nội, cho biết việc tích lũy lâu dài những hóa chất này có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây trụy tim, suy hô hấp và nguy hiểm hơn có thể gây ung thư.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhấn mạnh thêm những người sử dụng hóa chất nhuộm vải để nhuộm gà cũng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp.

“Việc tiếp xúc với những hóa chất này khi nhuộm gà có thể gây dị ứng da, viêm da, nặng hơn là lở loét, ngứa ngáy và có thể lên cơn hen suyễn, khó thở nếu hít phải” - BS Trần Ngọc Lưu Phương cho biết thêm.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Ngọc Thạch cho rằng người dân không nên có tâm lý phải mua bằng được những con gà da mỡ vàng, óng ánh thì mới là gà ngon. Các loại thịt sử dụng chất này có màu vàng bắt mắt trên thực tế không làm tăng chất dinh dưỡng ở thịt. Thực tế cho thấy người châu Âu họ ăn các loại thịt màu trắng nhưng họ vẫn cao lớn, thông minh.

Nhuộm gà bằng chất vàng ô hay bột sắt... (Ảnh minh họa).

Nhuộm gà bằng chất vàng ô hay bột sắt... (Ảnh minh họa).

Phạt tiền liệu có đủ? 

Mới đây, ngày 22/7, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định xử phạt ông Nguyễn Công Ngọc, chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) 87,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 3 tháng vì nhuộm gà bằng chất vàng ô (Auramine O) bị cấm sử dụng vì có khả năng gây ung thư cao và giết mổ trái phép, không đúng nơi quy định; gia súc, gia cầm đã giết mổ không có dấu của cơ quan thú y.  

Nhiều bạn đọc lên tiếng về hình thức xử phạt đối với những người kinh doanh thực phẩm bẩn. Nếu chỉ phạt tiền thôi thì liệu có ngăn chặn được hành vi trộn hóa chất không nằm trong danh mục cho phép vào thức ăn hay nhuộm gà bằng hóa chất nhuộm vải hay không?

Nhiều người cho rằng phạt tiền bao nhiêu thì những người kinh doanh này vẫn có lời.

“Họ sẽ tiếp tục kinh doanh vô lương tâm và không đạo đức để kiếm lợi nhuận bù vào khoản phạt tiền. Người tiêu dùng sẽ chết dần, chết mòn vì mức phạt không đủ độ răn đe kẻ kinh doanh vô lương tri”, bạn đọc bức xúc.

Có ý kiến cho rằng đây là hành vi giết người và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới đủ sức ngăn chặn những người vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.

Có bị phạt tù hay không?

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết Bộ luật hình sự 2015 (BLHS) có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 có những quy định cụ thể hơn về tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách phân loại các nhóm hành vi tại điều 317.

Theo đó, người nào sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm, gây tổn hại cho sức khỏe… tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả có thể bị phạt từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm, cấm hành nghề 1-5 năm./.

Theo Kim Thanh (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam