Thay vì sử dụng diện tích đất lớn để mở nông trại canh tác theo phương thức nằm ngang, hay sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì hình thức “nông nghiệp nén” bằng mô hình “nông trại thẳng đứng” đã đem lại sản lượng và chất lượng cao gấp bội, đồng thời giải quyết bài toán đô thị hóa mất kiểm soát đặt ra.

Đây là một trong những sáng tạo mang tính đột phá của ngành nông nghiệp đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng, hình thành một cuộc cách mạng phát triển nông nghiệp đô thị.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới thành công với “nông trại thẳng đứng” trong… đường hầm - nơi đã bị đóng cửa 16 năm.

Được biết trong vài thập kỷ qua, diện tích đất nông nghiệp của Hàn Quốc đã giảm gần một nửa, đồng thời chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khó khăn trong việc đối phó với nhiệt độ. Hơn nữa, nguồn nhân lực cho nông nghiệp cũng giảm mạnh. Do đó, theo các nhà khoa học, giải pháp “nông trại thẳng đứng” trong đường hầm có tính khả thi cao.

Trang trại thẳng đứng trong đường hầm của Hàn Quốc sử dụng ánh sáng đèn LED thay ánh sáng tự nhiên

Trang trại thẳng đứng trong đường hầm của Hàn Quốc sử dụng ánh sáng đèn LED thay ánh sáng tự nhiên

Hiện tại, “nông trại thẳng đứng” độc đáo này đang hoạt động trên diện tích hơn 2.000m2 với 60 loại rau, quả khác nhau. Đồng thời sử dụng phương pháp thủy canh kết hợp với công nghệ thông minh để tối ưu hóa nhiệt độ, độ ẩm và dinh dưỡng cho cây trồng.

Trên thực tế, không phải quốc gia nào cũng có đường hầm bỏ hoang để phát triển nông nghiệp thẳng đứng như Hàn Quốc, mà nên dựa vào những điều kiện sẵn có để chuyên môn hóa ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Mặt khác mỗi đất nước lại có những đặc điểm khác nhau về hình thái tổ chức và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.

Mỹ không phải quốc gia tiên phong trong “nông nghiệp thẳng đứng” nhưng là quốc gia sở hữu “nông trại thẳng đứng độc đáo nhất thế giới”, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại nhất, phù hợp cho từng giống cây trồng.

Ảnh 2.2: trang trại AeroFarm cung cấp 900 tấn rau sạch cho người dân Mỹ

Trang trại AeroFarm cung cấp 900 tấn rau sạch cho người dân Mỹ

Chỉ riêng chuỗi trang trại của AeroFarms - “nông trại thẳng đứng” lớn nhất thế giới - đã áp dụng hệ thống khí canh và tối ưu hóa công nghệ nhằm đổi mới trong canh tác để đảm bảo ít gây ô nhiễm cho môi trường nhất.

Ứng dụng này đã đem lại năng suất gấp 75 lần so với hình thức canh tác truyền thống trên cùng diện tích đất nền. Mỗi năm AeroFarms đã cung cấp 900 tấn rau sạch đảm bảo các tiêu chuẩn cho người dân nước Mỹ.

Trong khi đó, ở Thụy Điển, hoa màu, cây trái lại được trồng trong những tòa nhà kính có kích thước tương đương với những tòa cao ốc giữa lòng các đô thị. Được biết, các nhà khoa học và nhà sản xuất đã bắt tay cùng nhau thực tế hóa mô hình nông nghiệp thẳng đứng bằng “cao ốc cây trồng”, có thể cao đến hàng trăm tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ảnh 2.3: Cao ốc cây trồng giữ đô thị đông đúc tại Thụy Điển

Cao ốc cây trồng giữ đô thị đông đúc tại Thụy Điển

Đại diện công ty Alterrus - công ty phát triển mô hình “Cao ốc cây trồng” tại Thụy Điển cho biết: Việc xây dựng “cao ốc cây trồng” trong thành phố giúp cư dân thành thị bớt phụ thuộc vào nguồn thực phẩm được trồng và thu hoạch tại các vùng ngoại ô. Mặt khác với mô hình “cao ốc” này giúp tiết kiệm được diện tích đất nền để sản xuất sản lượng tương đương.

Còn ở Nhật Bản, một trong những lý do thậm chí là bước ngoặt cho hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm rau an toàn bằng mô hình “nông nghiệp thẳng đứng” bắt nguồn từ sự cố rò rỉ nhà máy hạt nhân Fukushima. Bởi trước đó người dân từng nghi ngờ về những nông sản được trồng trọt theo hướng công nghiệp thì sẽ không phải tự nhiên, và nó quá khác so với phương thức sản xuất truyền thống.

Ảnh 2.4: Công nhân đều phải mặc trang phục, đeo khẩu trang, ủng tay chân theo quy định trước khi vào nông trại

Công nhân đều phải mặc trang phục, đeo khẩu trang, ủng tay chân theo quy định trước khi vào nông trại

Tuy nhiên, sau nhiều năm thói quen tiêu dùng của người Nhật cũng thay đổi và nhận thức được giá trị của sản phẩm được sản xuất theo công nghệ cao này, đặc biệt khi không sử dụng thuốc trừ sâu và sản xuất theo quy trình kiểm định nghiêm ngặt.

Điều đáng nói hơn là tôn chỉ mà các “nông trại thẳng đứng” của Nhật đưa ra là luôn đặt yếu tố môi trường và an toàn lên hàng đầu. Điều này đã tạo được lòng tin và kích cầu tiêu dùng của người dân đối với các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Ở Nam cực, điều kiện thời tiết khiến nguồn cung thực phẩm gặp khó trong mùa đông. Vì thế, các nhà khoa học thuộc trạm Neumayer III của Đức đã phát triển “nông trại thẳng đứng” để cung cấp nguồn thực phẩm sạch nuôi nhân viên.

Không chỉ vậy, trên không gian, các phi hành gia cũng trồng rau củ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế theo phương thức thẳng đứng, và trang trại nhỏ này có biệt danh Veggie.

Có thể thấy xu hướng “nông nghiệp thẳng đứng” đang được thế giới ứng dụng để phù hợp, thích ứng với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như giải quyết vấn đề thực tế của đô thị.

Theo nhận định của các chuyên gia, đối với thành phố đang khan hiếm về đất đai, khó khăn trong việc tích tụ diện tích đất nông nghiệp để mở trang trại với quy mô lớn, hay điều kiện khí hậu không cho phép cây trồng phát triển khỏe mạnh quanh năm thì “cao ốc cây trồng” hay “nông trại thẳng đứng” sẽ là giải pháp tối ưu và đem lại hiệu quả và tác động tích cực về mọi mặt.

 

Theo Tạp Chí Điện Tử Reatimes