Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Thái Hương từng chia sẻ: "Phải biết mình là ai và muốn làm gì. Tôi muốn làm nông nghiệp và áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, tập trung vào cuộc sống của con người".
 

BƯỚC TIẾN VÀO LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP


Tháng 12/2010, sản phẩm sữa TH true MILK chính thức được giới thiệu ra thị trường, đánh dấu cho một quyết định táo bạo đặt chân vào thương trường sữa Việt Nam của Tập đoàn TH. Cũng kể từ đấy, TH True MILK đã bắt đầu được nhắc tới như một doanh nghiệp với bước tiến thần tốc và nhanh chóng trong cuộc định vịthương hiệu bằng chữ "thật".

Chỉ sau 3 năm, tập đoàn tư nhân này đã công bố về con số đấy ấn tượng, doanh thu trong năm 2013 lên tới 6.000 tỷ đồng. Đến bây giờ, thành công của Tập đoàn TH còn là đặt một dấu ấn trong suy nghĩ và tiềm thức của khách hàng khi “nhắc đến sữa… là nhớ đến TH true MILK”.

Nhưng có lẽ với bà Thái Hương, bài toán lợi nhuận thành công trên thương trường không chỉ dừng lại ở những con số. Còn nhớ, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí nhân kỷ niệm 10 năm ngày TH True Milk đặt chân vào thị trường sữa tươi, bà đã tuyên bố: "Phải biết mình là ai và muốn làm gì. Tôi muốn làm nông nghiệp và áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, tập trung vào cuộc sống của con người.”


Chia sẻ về những điều đã và đang luôn trăn trở, bà từng nói rằng: “Tôi rất tự hào vì nó giúp thay đổi căn bản phương thức sản xuất trong nông nghiệp. Khi bắt đầu, tôi đã đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Chủ thể của nó là sự thay đổi chính sách, từ đó lôi kéo, lôi cuốn các doanh nghiệp có đủ tâm - chí - lực vào trong nông nghiệp. Và người nông dân là một mắt xích trong chuỗi giá trị này”.

Đến bây giờ, trong con người của người đàn bà “thép” đó vẫn là khát khao đầu tư vào nông nghiệp, dựa vào ngành nghề truyền thống vốn xưa nay của Việt Nam để tạo ra những giá trị thật sự, những sự thay đổi khác biệt và thành công.

Chia sẻ với Tạp chí Forbes, bên cạnh kế hoạch đầu tư cho dự án sữa với tổng vốn 1,2 tỷ USD tính đến năm 2020, dự án có thể coi là lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp cho tới nay, bà vẫn đang ấp ủ những dự định lớn khác, trong đó có việc phát triển trang trại để sản xuất rau sạch cho thị trường trong nước, và các mặt hàng thực phẩm chức năng xuất khẩu ra thế giới.

Nhìn lại con đường mà Tập đoàn TH đã đi, đã làm và những kế hoạch được vẽ ra chi tiết trong tương lai, quả sẽ không ngoa khi giới thương trường cho rằng, Tập đoàn TH là doanh nghiệp đi tiên phong mạnh dạn đầu tư lớn vào nông nghiệp và đến hiện tại, đã gặt hái được không ít thành công.

Nói về khát vọng phủ lấp màu xanh nông nghiệp hữu cơ trên mảnh đất hình chữ S, bà Thái Hương gọi đầu tư vào nông nghiệp là cuộc cách mạng. Dưới góc nhìn của giới đầu tư, chắc chắn đó hẳn là một cuộc cách mạng. Bởi cách đây 10 năm, trong bối cảnh các doanh nghiệp thiếu mặn mà với mảnh đất giàu tiềm năng, TH lại sẵn sàng bỏ hàng tỷđô la cho lĩnh vực này.

TẠO LẬP CHUỖI LIÊN KẾT TRONG NÔNG NGHIỆP


Thay vì sản xuất theo mô hình và phương thức truyền thống, điểm khác biệt mà Tập đoàn TH đã “đi trước, đón đầu”, đó là tạo ra chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp. Mà đến hiện tại, bà Thái Hương khẳng định: “Tôi xác định đây là cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Nhà nước song hành với doanh nghiệp, nguồn lực là đất đai và nông dân”. Trong cuộc cách mạng đó, “tư duy là số 1, chứ không phải lượng tiền mặt. Thứ2 là đất đai… Còn chìa khóa vàng là ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.”

Con đường đầu tư và phát triển vào nông nghiệp chẳng hề dễ dàng bởi với bà Thái Hương, cái đích không dừng lại ở việc sản xuất quy mô nhỏ như trước đây mà là việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, tạo lập chuỗi liên kết.

Để bắt đầu con đường đó, bà đã từng cho rằng, có 3 vấn đề khó mà Tập đoàn TH phải đối mặt. Thứ nhất là phải đưa ra được lộ trình để người nông dân trở thành thành viên của hợp tác xã. Thứ hai, là phải truyền đạt được khoa học kỹ thuật cho nông dân và thứ 3 là cách thức tổ chức để tạo ra chuỗi liên kết. Những thách thức đó chưa bao giờ là bài toán dễ dàng. Để rồi, đến hiện tại, người kế nhiệm bà, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cũng chia sẻ rằng: “Việc hình thành mô hình chuỗi liên kết không đơn giản bởi sự kết nối giữa các thành viên trong chuỗi rất lỏng lẻo, dễ đổ vỡ, đặc biệt là với chuỗi liên kết nông sản, vốn thích tự phát và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như mùa vụ, thời tiết”.

Đúng như ông Hải nói, “Mấu chốt để tạo ra một liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp nằm ở việc chia sẻ lợi ích và rủi ro của các thành viên trong chuỗi. Bản chất của mô hình chuỗi đó là đầu ra công đoạn này phải là đầu vào của công đoạn khác, ai cũng muốn tối đa hóa lợi ích của mình nên mâu thuẫn là tất yếu”.



Và để đảm bảo tính bền vững chuỗi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết. Thiếu đi đầu tàu, bà con nông dân “mạnh ai nấy làm” thì không bao giờ thành công. Đây cũng là cách mà Tập đoàn TH dưới sự lãnh đạo của bà Thái Hương đã lựa chọn để tạo ra chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp.

LỜI CAM KẾT CỦA MỘT DOANH NGHIỆP CÓ TÂM VÀ TẦM


Hơn 10 năm trôi qua, nhìn lại ngành nông nghiệp nói riêng và thương trường Việt nói chung, sự lớn mạnh của Tập đoàn TH cùng bước đi táo báo đã trở thành mô hình doanh nghiệp đáng học hỏi.

Với khát khao tạo ra cuộc cách mạng thực sự trong nông nghiệp, nữ doanh nhân Thái Hương đã đề xuất những kiến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực truyền thống của Việt Nam trong Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019 diễn ra vào ngày hôm qua (5/2).

Điều đầu tiên, bà bày tỏ mong muốn Đảng - Quốc hội - Chính phủ coi mục tiêu "tạo lập các chuỗi nông - lâm - thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm" là 1 trong các mục tiêu trọng tâm tới năm 2025 để tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp.

Thứ hai, bà Thái Hương đề xuất Chính phủ ủng hộ và chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung thực hiện thành công dự án thí điểm hình thành, phát triển 1 số chuỗi nông - thủy sản có thương phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường "mục tiêu".

Cụ thể hơn, bà đề cập đến chuỗi sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; chuỗi tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ/Canada/EU; chuỗi rau - củ - quả có chế biến sâu để dần làm chủ các thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Nhật...



Để thực hiện được những đề xuất lớn, nữ doanh nhân này cũng kiến nghị một số việc cụ thể cần làm trước mắt.

Đề xuất đầu tiên là mong các cơ quan chức năng, địa phương phối hợp cùng các doanh nghiệp "đầu tàu" trong năm 2019 tiến hành phân tích lại các thị trường mục tiêu, trọng tâm cho từng lĩnh vực, nhóm sản phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị có mục tiêu cụ thể là "chinh phục các thị trường này".

Thứ hai bà đề xuất các cơ quan chức năng sớm triển khai ngay việc số hóa và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp trong 2019.

Thứ ba là cần nhận diện rõ nét nhóm các doanh nghiệp "đầu tàu" ngành nông nghiệp và xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết nhằm tạo động lực và phát triển nhóm doanh nghiệp này để dẫn dắt sự phát triển chung.

Mặt khác, bà cũng cho rằng để kích thích phát triển sản xuất các chuỗi hàng hóa khép kín nông lâm thủy hải sản có giá trị chất lượng cao, phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu cho thị trường trọng điểm, Chính phủ cần chỉ đạo cho Bộ NN&PTNT kết hợp với các Bộ ban ngành xây dựng và giám sát bộ tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế.

Đồng thời Bộ Y tế kết hợp với các Bộ ban ngành liên quan đưa ra các chuẩn mực về dinh dưỡng cho người Việt và đề án Luật dinh dưỡng học đường để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật dinh dưỡng học đường sớm nhất có thể.

Thành công là thế! Ghi dấu ấn là vậy! Có một điều đáng trân quý ở doanh nghiệp đi đầu trong rót vốn với quy mô lớn vào nông nghiệp cũng như tiên phong trong áp dụng công nghệ cao, đó là những lời cam kết về đồng hành của Tập đoàn TH trong sự phát triển của xã hội và đất nước.

Đó là lời cam kết về việc sẵn sàng huy động nguồn lực để hỗ trợ Chính phủ thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá thị trường trọng điểm cho các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng lộ trình, giải pháp chinh phục các thị trường này.

Bên cạnh đó, TH cam kết đồng hành cùng Chính phủ xây dựng văn hóa chuẩn mực doanh nghiệp trên cơ sở tham vấn các mô hình thành công trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.

Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong, Tập đoàn TH còn cam kết tiếp tục hình thành mô hình doanh nghiệp làm trụ cột, dẫn dắt nông dân, cộng đồng và doanh nghiệp trong nông nghiệp nông thôn...

Hiếm có một doanh nghiệp có tầm nào lại tận tâm với sự phát triển của cộng đồng như Tập đoàn TH!

- Bà đánh giá như thế nào về những đóng góp của các nữ doanh nhân trong thời điểm hiện nay?

Bà Thái Hương: Trong các ngành thực phẩm, kinh tế, giáo dục, các nữ doanh nhân thường có mức độ nhạy cảm, sự tinh tế. Thế nên, họ có khả năng tạo ra giá trị về sản phẩm rất tốt. Bởi là người phụ nữ, là một người nội trợ, là một người biết làm gì cho con mình, chồng mình, cho gia đình mình muốn gì… và lại làm trên cương vị thuộc ngành thực phẩm, y tế, giáo dục, họ lại đưa hết cả tâm huyết của mình vào ngành nghề đó. Trong năm gần đây, danh sách nữ doanh nhân Việt Nam kéo dài hơn rất nhiều.

- Ở Việt Nam, làm doanh nghiệp đã rất khó và làm nữ doanh nhân còn khó hơn. Quan điểm của bà thì sao?

Bà Thái Hương: Tôi nghĩ rằng bất cứ ai làm nghề gì, nghề chính trị hay nghề doanh nghiệp, muốn đạt được đỉnh cao thì phải có tố chất của ngành nghề đó. Và khi có tố chất của ngành nghề, họ sẽ vượt qua được rất nhiều rào cản. Ví như, tôi cảm nhận có lẽ mình có tố chất của doanh nhân. Thế nên, tôi rất say sưa làm việc, không quan trọng mình là nam hay nữ, không có rào cản nào trong giới tính. Khi thương thảo với ai đó tôi chỉ thấy một điều là làm thế nào để cùng chia sẻ với họ những lợi thế mà mình có. Dù là đối tác nào tôi cũng nghĩ họ là một “team” với mình.

- Được biết, năm 2015, Tập đoàn TH đặt chân vào thị trường Nga với tổng mức vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ đô la. Sự kiện này đã thể hiện quyết tâm của doanh nghiệp Việt trong đón đầu dư địa của thị trường Nga. Thưa bà, đâu là lý do khiến Tập đoàn TH quyết định đầu tư với quy mô lớn tại Nga?

Bà Thái Hương: Có 2 điều khiến tôi quyết định đầu tư dự án 2,7 tỷ đô la sang Nga. Thứ nhất, trong lòng tôi ngay từ nhỏ đã cảm mến nước Nga. Trong thời gian chiến tranh, Nga đã dành cho đất nước mình những tình cảm, những viện trợ để chúng ta đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tôi xem đó như một ân huệ.

Thứ hai, trong thời kỳ cấm vận, Nga cần rất nhiều các mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp với công nghệ cao. Còn Tập đoàn TH lại có trong tay công nghệ cao, đang kinh doanh về sữa. Khi sang đó, mình sẽ có nhiều lợi thế. Sự nhạy cảm của bản thân đã cho tôi biết, đó là quyết định đúng đắn. Ở thời điểm cấm vận, chính phủ Nga đưa ra chính sách rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Bà đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh ở nước ngoài?

Bà Thái Hương: Nói về điều kiện kinh doanh, nước Nga đang có những chính sách cởi mở và thực sự là lôi kéo. Bởi vì trong thời gian cấm vận, họ phải dùng những chính sách thông thoáng thông minh để kiến thiết lại đất nước.

- Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, bà đã có những hiến kế để phát triển nông nghiệp. Đâu là những kiến nghị mà bà đang tâm đắc?

Bà Thái Hương: Tôi có rất nhiều những kiến nghị nhưng có một số điều tâm đắc. Đó là làm sao Việt Nam tạo ra những cánh chim đầu đàn trong nông nghiệp. Việt Nam cần có chính sách khích lệ họ, lôi cuốn họ, đưa người nông dân, cộng đồng trong sản xuất vào nông nghiệp tạo ra chuỗi liên kết và tạo ra cú hích về nông nghiệp.

Điều tâm huyết thứ hai, đó là đề xuất với Chính phủ chỉ đạo cán bộ chuyên ngành đưa ra bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, các ngành hàng sẽ có cơ sở để cạnh tranh với nhau. Điều này sẽ rất có lợi, vì không chỉ tốt cho sức khỏe của cộng đồng mà trong thời kỳ hội nhập, nó sẽ là thước đo giúp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa dễ dàng.

Điều tâm huyết thứ ba đó là đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đưa ra Bộ tiêu chuẩn và dinh dưỡng cho người Việt và xây dựng chương trình đề án Bữa ăn học đường để từ đó có căn cứ ban hành luật Dinh dưỡng học đường.

Điều tâm huyết thứ tư, đề xuất Chính phủ ban hành bộ tiêu chí văn hóa doanh nhân để họ phấn đấu, cống hiến với tinh thần phụng sự vi một Việt Nam thịnh vượng, bền vững.


Theo reatimes.vn/emagazine