Tôi không có ý định bênh vực cho những khiếm khuyết của Hà Nội thời gian gần đây trong lĩnh vực cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô nhưng vẫn phải khẳng định rằng, đây luôn luôn là nhiệm vụ cực kỳ nặng nề và trọng yếu của các cấp lãnh đạo thành phố qua nhiều nhiệm kỳ.

Đặc biệt là sau vụ “có dầu trong nước sạch” mới đây thì tầm quan trọng của nó lại càng được nâng cao lên một bước mới, từ “an toàn nước sạch” sang “an ninh nước sạch”, bởi một ám ảnh hiển hiện rằng, nếu như đấy không phải là dầu cặn mà là một hóa chất kịch độc thì sẽ ra sao? Hẳn là sinh mệnh của hàng triệu người dân sẽ bị đe dọa.

Sau vụ việc “hút chết ấy”, hàng loạt vấn đề liên quan đến cung ứng nước sạch của Hà Nội được các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan truyền thông mổ sẻ, và từ đây, nhiều vấn đề ngoài sức tưởng tượng đã hiện ra mà chúng ta cần phân tích kỹ lưỡng.

Nhiệm vụ nặng nề và miếng bánh béo bở

Theo thông báo mới đây nhất, dân số của Hà Nội đã lên trên con số 8 triệu người phổ rộng trên diện tích khoảng 3.300km2.

Hiện nay, chỉ tính riêng khu vực đô thị, hệ thống cấp nước Hà Nội cung cấp cho 12 quận nội thành với quy mô khoảng 3,7 triệu người. Trong đó, 60% đến từ nước ngầm, 40% là nguồn nước mặt sông Đà và sông Đuống.

Tại khu vực nông thôn, tổng dân số ước đạt 4,3 triệu người. Đến hết 2017, chỉ có 2,1 triệu người được cấp nước, tương đương gần 50%. Các nguồn cấp nước tại chỗ của các hộ gia đình phổ biến vẫn là giếng khoan, giếng đào, với chất lượng nước thường bị nhiễm các kim loại nặng và các chất thải từ hoạt động sản xuất như asen, amoni, chất hữu cơ…

Trước trách nhiệm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước được ổn định, bền vững và lâu dài theo sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, ngày 6/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1081/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong Quyết định nêu các chỉ tiêu cụ thể về hạ tầng cấp nước như sau:

Phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản tất cả hộ dân được cấp nước hợp vệ sinh, trong đó bình quân cấp nước đô thị đạt 150 - 180 lít/người/ngày đêm; nâng cao chất lượng và năng lực quản lý mạng lưới cấp nước; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch xuống còn khoảng 24 - 26%.

- Nguồn nước: Từng bước hạn chế sử dụng nước ngầm. Triển khai xây dựng, nâng công suất các nhà máy sử dụng nước mặt: Nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Đuống, Nhà máy nước mặt sông Hồng. Xây dựng các trạm cấp nước nông thôn.

- Xây dựng mạng lưới truyền dẫn cấp nước đồng bộ, khép kín; tiếp tục đầu tư để tiếp nhận có hiệu quả nguồn nước mặt sông Đà. Hoàn chỉnh hệ thống cấp nước cho các khu vực đô thị. Mở rộng mạng lưới cấp nước tập trung ra các khu vực nông thôn và xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho các khu vực nông thôn còn lại...

Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XV, Nghị quyết 06/2011/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội xây dựng quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng kế hoạch phát triển như sau (theo tài liệu của Công ty nước sạch Hà Nội):

Đến đây, chắc hẳn nhiều người sẽ mường tượng ra trách nhiệm cung cấp nước sạch cho hơn 8 triệu người dân trên một địa bàn rộng tới 3.300km2 của các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội nặng nề như thế nào và có thể coi đây là lĩnh vực đầu tư “xương xẩu” mà nhiều năm nay, ngân sách thành phố chưa bao giờ cáng đáng nổi.

Chính vì thế, kể từ khi Hà Nội mở cửa, mời gọi các nguồn lực đầu tư từ xã hội tham gia, bản quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được phủ kín qua 3 nhà máy nước mặt khổng lồ được hình thành, đó là Nhà máy nước Sông Đà, Nhà máy nước Sông Đuống và Nhà máy nước Sông Hồng.

Và bỗng nhiên, việc cung cấp nước sạch của Hà Nội từ một lĩnh vực đầu tư “xương xẩu” đã biến thành một “chiếc bánh ngọt bí ẩn” mà nhiều người ham muốn. Tại sao vậy?

Kỳ sau: Những chiếc bình phong kỳ ảo!

Theo Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh/Reatimes