Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh về tim, phổi và đột quỵ.

Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Ô nhiễm không khí có thể có tác động tới cả bào thai

Hà Nội vừa trải qua những ngày được cho là có chất lượng không khí kém. Có những thời điểm, một số trạm quan trắc đo được chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội lên đến 181, sát mức xấu theo tiêu chuẩn đánh giá của WHO.

Một số điểm quan trắc cho chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) tiệm cận với mức xấu (200) như Tây Hồ 191, Minh Khai - Bắc Từ Liêm 175.

Đặc biệt, sau ảnh hưởng của vụ cháy nhà máy Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) tối 28/8, kết hợp cùng các yếu tố khách quan khác, người dân bày tỏ sự lo lắng về sự ô nhiễm không khí tại Thủ đô.  

Thời điểm tối 19/9, dù Hà Nội đã có mưa, nhiều điểm quan trắc đo chỉ số ô nhiễm vẫn ở mức xấu (trên 100), thậm chí đỏ như: 556 Nguyễn Văn Cừ (151), Hàng Đậu (138), Tây Hồ (135), Đại sứ quán Hoa Kỳ (122)...

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ô nhiễm môi trường tác động đến nhiều bệnh lý đường hô hấp. Ngoài ra, các bệnh về mắt, dị ứng da, tim mạch cũng tăng.

Điểm đo quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ cho kết quả 151 (mức kém) vào thời điểm 18h tối 19/9.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, người lớn trung bình thở trên 15 mét khối khí mỗi ngày. Dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, bao gồm cả phổi, tim, các cơ quan khác và cả bào thai.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, BS Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, cho rằng chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn việc bệnh nhân nhập viện do ô nhiễm không khí. Tuần qua, lượng bệnh nhân nhập viện này tuy không tăng đột biến so với tuần trước, nhưng đáng lưu ý là số bệnh nhân nhập viện do phổi mãn tính tương đối đông, một phần liên quan tới ô nhiễm không khí.

Tác hại sức khỏe của không khí ô nhiễm. Nguồn: Tổ chức y tế thế giới

Phân tích cụ thể, PGS Nhung cho hay, các tác động của ô nhiễm không khí trên đường hô hấp phụ thuộc vào loại và sự pha trộn các chất ô nhiễm với nhau. Ngay sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm mức độ cao, người dân có thể bị kích ứng đường hô hấp, khó thở và tăng nguy cơ lên cơn suyễn. Nếu kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Điều này có nghĩa là những tác động của ô nhiễm không khí có thể nhìn thấy ngay, nhưng có thể diễn tiến âm thầm, kéo dài, gây hậu hoạ nặng nề.

Vì sao mũi là nơi "gánh" hậu hoạ của ô nhiễm không khí đầu tiên? Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, mũi là "cửa ngõ" của đường hô hấp, vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, để phòng bệnh khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi. Tuy nhiên với những hạt bụi nhỏ dưới 5 micromet, khẩu trang thông thường cũng không có tác dụng. 

BS Hồng khuyến cáo người dân có thể sử dụng khẩu trang than hoạt tính có 3 lớp, nên thay khẩu trang liên tục 2 tiếng/lần. Nên rửa tay khi về nhà, uống đủ nước. Người dân cũng có thể dùng dung dịch nước muối để làm sạch mũi. Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao, cải thiện sức đề kháng, chế độ ăn đầy đủ bao gồm trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng và protein từ thịt, cá, trứng sữa...

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên sống trong môi trường có hồ nước và cây xanh để giảm thiểu sự xâm nhập của bụi. Theo dõi hàng ngày các quan trắc môi trường, nếu có báo động cam (AQI từ 101-200), đỏ (AQI từ 201-300) trở lên thì nên hạn chế ra đường.

Theo Gia đình & Xã hội