Một chú rùa biển suýt đã tắt thở vì một chiếc ống hút nhựa dài 12cm bị mắc kẹt trong mũi, một chú chim hải âu kiếm thức ăn và ngậm chặt chiếc ống hút. Những hình ảnh đó khiến người ta phải dừng lại để suy nghĩ một chút về những chiếc ống hút nhựa mình dùng hàng ngày.

Ống hút nhựa không thể tái chế

Ước tính, năm 2050 rác thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn cá và những loại rác thải này có thể gây hại tới 600 loài sinh vật trên trái đất. Hàng triệu triệu ống hút nhựa bị thải ra môi trường mỗi ngày. Trong thời gian dọn dẹp rác thải hơn 5 năm, người ta tìm thấy 7,5 triệu ống hút nhựa trên bờ biển Mỹ và khoảng 437 triệu đến 8,3 tỷ ống hút nhựa tồn tại khắp nơi ở các bờ biển của thế giới.

Ở Việt Nam, riêng đối với rác thải nhựa, năm 2017, Việt Nam nằm trong top 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới, theo thống kê của Hiệp hội bảo tồn đại dương (Ocean Conservancy). Tuy chưa có thống kê chính thức về số ống hút sử dụng mỗi ngày nhưng ống hút nhựa là vật dụng quen thuộc trong các quán trà sữa, cà phê, nhà hàng khách sạn tại nước ta.

Một chiếc ống hút được rút ra từ mũi của chú rùa biển

Loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất chính là nhựa, chúng rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất. Một chiếc ống hút nhựa bạn dùng hằng ngày có thể tồn tại từ 100-400 năm. Và khi chúng bị phân rã không có nghĩa là đã bị loại trừ hoàn toàn, chỉ là từ một mảnh lớn tách thành những mảnh nhỏ, được gọi là những hạt vi nhựa microplastic len lỏi vào trong từng ngóc ngách của môi trường rồi tồn tại ở đó mãi mãi. Đó là điều khiến cho các chuyên gia môi trường trăn trở. Nó không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng dần dần từng chút một chất đống thành bãi rác và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh.

“Những ống hút này có thể làm từ PVC hoặc nhựa tái chế nhưng dù là loại nhựa tốt hay không tốt cũng đều không nên dùng vì nó thải ra môi trường. Không ai thu gom những ống hút nhựa nhỏ xíu để đem dùng lại, mà cũng không ai bỏ công sức để nhặt nó làm gì, không bán được không ai mua, không có giá trị kinh tế. 

Bởi vì những chiếc ống hút này thải ra môi trường không thể phân hủy được khi nó là nhựa polymer. Hàng vạn, hàng triệu chiếc ống hút dùng xong lại nằm đó. Nó chìm xuống đất, trôi xuống sông và lơ lửng trong nước. Những sinh vật biển ăn phải sẽ không tiêu hóa được và chết đi khiến môi sinh bị thay đổi”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm nhận định.

Tác hại với sức khỏe và môi trường

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, nên hạn chế ống hút nhựa vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sinh thái.

Đối với môi trường, ống hút bằng nhựa có kích thước không lớn nhưng lại gây ra ô nhiễm khá nghiêm trọng. Trên mặt đất, chúng không thể tiêu hủy được, cứ nằm trơ trơ theo năm tháng. Còn khi ném xuống nước, các loài thủy sản ăn, nuốt phải sẽ bị chết vì loại nhựa này không thể tiêu hóa.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

"Các hạt vi nhựa nếu sử dụng lâu dài thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường vì nó không thể phân hủy. Thời gian vừa qua, toàn thế giới chống lại nhựa sử dụng một lần thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường như túi nilon, hộp xốp, ống hút. Thứ nhất nó làm cho môi trường mất cảnh quan, thứ hai nó trôi ra biển khiến các sinh vật biển nuốt phải và chết. Rồi thải ra môi trường trôi dạt vào bãi biển ảnh hưởng đến ngành du lịch, rồi tàu bè vướng vào nhựa trôi nổi làm hỏng quạt, hỏng mô tơ,… Qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm không phân hủy được và tích tụ dần dần thành bãi rác lớn. Nó gây độc hại lâu dài chứ không chỉ là trước mắt. Hệ lụy của nó là rất lớn”

Với sức khỏe con người, ống hút dùng trong đồ uống lạnh sẽ không ảnh trực tiếp và nhanh chóng với sức khỏe, nhưng ống hút bằng nhựa có thể làm nhiễm bẩn thực phẩm nếu là đồ uống nóng.

“Ống hút nhựa được làm từ rất nhiều loại nhựa khác nhau. Ở điều kiện bình thường không tan thì không ảnh hưởng nhiều lắm đến sức khỏe, nhưng nếu ở nhiệt độ cao như quay lò viba, nhúng vào thức ăn nóng thì tất nhiên là có ảnh hưởng. Chưa kể đến, những ống hút nhựa màu sắc thì rất độc hại vì có chất tạo màu”, ông Vỹ nói.

Hàng loạt nghiên cứu gần đây cũng đã phát hiện ra rằng, những hóa chất như polypropylene, nylon và polyethylene terephthalate ẩn giấu trong những hạt vi nhựa của ống hút gây ô nhiễm nghiêm trọng. Những chất nhựa để làm ống hút không phân hủy sinh học được mà chỉ có thể tan rã khi ở điều kiện dưới ánh mặt trời thành các hạt vi nhựa rất nhỏ. Các hạt này lan tràn trong đại dương, đất, sông hồ, không khí, thậm chí là đi vào đường thở chúng ta hít vào.

Hiện vẫn chưa có chứng minh cụ thể tác hại của việc ăn phải hạt vi nhựa đối với con người, nhưng rõ ràng một vài hạt nhỏ cũng có thể gây tổn thương đến các mô trong cơ thể, gây ra các phản ứng miễn dịch như ho, dị ứng…

Các hạt nhựa len lỏi khắp nơi trên trái đất

Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Journal of Environmental Science and Technology (Mỹ), lấy dữ liệu từ 26 nghiên cứu trước đó đã đo lượng hạt vi nhựa trong cá, động vật có vỏ, đường, muối, bia và nước, cũng như không khí trong các thành phố lớn.

Các nhà khoa học đã tìm hiểu chế độ ăn uống do Chính phủ Mỹ quy định nhằm tính toán lượng hạt vi nhựa con người ăn phải trong 1 năm. Ước tính trung bình người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, còn trẻ em là 40.000. "Con số có thể lớn hơn nhiều. Vẫn còn một lượng dữ liệu khổng lồ cần được bổ sung" - ông Kieran Cox, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Victoria (Canada), nhìn nhận.

Hiện nay, một số nhãn hàng đã thay thế bằng các loại ống hút có thể phân hủy khác như ống hút cỏ, ống hút từ bã mía, ống hút tinh bột,… Tuy nhiên, các loại ống hút đó có đủ đảm bảo vệ sinh an toàn cho sức khỏe người dùng hay không còn phải xem lại.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới